Từ A-Z setup bể cá cho người mới bắt đầu

2/5 - (1 bình chọn)

Ai trong số chúng ta cũng thích một chiếc bể cá nho nhỏ với những chú cá bé xinh nhiều màu sắc lượn lờ lững thững đúng không nào. Gần đây, nhu cầu có một chiếc bể cá để làm đẹp căn phòng hoặc ngôi nhà của mình dần trở nên phổ biến hơn. Nhưng hầu hết những chiếc bể cá đó đều không tồn tại được lâu, do nhiều tác động ngoại cảnh, thật đáng tiếc làm sao. Hôm nay, Blog chó mèo xin phổ biến cho bạn đọc một số điều cần biết khi setup một chiếc bể cá, đặc biệt cho những người mới bắt đầu.

1. Xác định loại cá mà bạn muốn nuôi.

Việc xác định được loại cá bạn muốn nuôi sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc setup hồ cá như mong muốn của mình. Mỗi dòng cá sẽ có một môi trường sống phù hợp với tập tính của mình. Với tư cách là một người chơi mới bắt đầu, hãy cùng tìm hiểu một số giống cá thường thấy ở các tiệm cá cảnh và lời khuyên của Blog chó mèo với những dòng cá đó nhé.

1.1. Cá vàng và cá chép vàng

Đây là loài cá cảnh phổ biến nhất ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Nhiều người sẽ cho rằng chúng rất bắt mắt và đẹp. Đúng vậy, đây là một loài cá cảnh đáng lẽ rất phù hợp cho người mới nuôi đúng không?

setup-be-ca-moi-bat-dau-1
Cá vàng ăn và thải ra rất nhiều chất bẩn

Nhưng có một sự thật là, cá vàng và cá chép rất bẩn. Chúng ăn tạp, cạnh tranh và thải ra lượng chất thải vô cùng lớn trong bể. Điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước cũng như các loài cá khác nếu không có một hệ thống lọc nước đạt yêu cầu.

setup-be-ca-moi-bat-dau-2
Cá chép cũng vậy, thậm chí còn kinh khủng hơn.

Việc nuôi cá vàng, cá chép trong các bể kích thước nhỏ, không có bộ lọc nước hợp lý, hoặc các bể tròn là một hình thức tra tấn. Đây có thể là một điều khó tin, nhưng đó là sự thật. Cá chép và cá vàng không phù hợp với các bể thủy tinh nhỏ trong gia đình, đặc biệt là với người nuôi chưa có kinh nghiệm. Chúng có thể nhìn bắt mắt và khỏe mạnh, nhưng tin blog đi, điều đó sẽ không kéo dài lâu đâu.

Điểm 5/10

1.2. Cá Betta

Đây cũng là một trong những loài cá dễ nuôi và phổ biến. Giống cá này có màu sắc sặc sỡ và vẻ đẹp huyền ảo, đa dạng. Đây là một trong những giống cá hiếm hoi có thể nuôi ở bể kích thước nhỏ, không cần lọc nước. Tuy vậy chúng không phù hợp với bể cá cộng đồng nhiều loài, do tập tính lãnh thổ. Chúng cũng không phù hợp với điều kiện không khí lạnh ở miền Bắc. Bạn có thể chơi một chiếc lọ nhỏ với chú cá này, nhưng hãy tìm hiểu thêm về cách chăm sóc loài này nhé, chúng không quá khó nhưng cũng không dễ đâu.

setup-be-ca-moi-bat-dau-3
Cá betta khá dễ nuôi nhưng chỉ phù hợp nuôi 1 mình

Điểm 7/10

1.3. Các dòng cá cảnh size nhỏ

Hầu hết những loại cá cảnh size nhỏ thường bán sẽ rất phù hợp với chiếc bể của bạn. Chúng thường bao gồm váy, xecan, cá mún, cá mây chiều, cá molly, cá thần tiên,… Bạn nên tham khảo từ người bán về việc nuôi ghép các dòng cá khác biệt để tránh việc chúng tấn công lẫn nhau. Những dòng cá kể trên dễ nuôi, có sức sống tốt, không yêu cầu chăm sóc quá cầu kì và phù hợp với những người mới bắt đầu. Cá thần tiên có thể coi là một loài cá hợp lý cho người mới bắt đầu.

setup-be-ca-moi-bat-dau-4
Các dòng cá cảnh size nhỏ

Điểm 9/10

1.4. Các dòng cá cảnh săn mồi, cá đắt tiền, cá size lớn

Nếu bạn mới tập chơi, bạn nên nghiên cứu và học hỏi từ những người có kinh nghiệm trước khi muốn thử nuôi những dòng cá này. Chúng tốn kém, kích thước lớn và yêu cầu những kì thuật cao. Chúng cũng yêu cầu không gian lớn để phát triển. Tốt nhất bạn nên tìm đến những chuyên gia, những người đi trước có kinh nghiệm để xin lời khuyên, tham khảo thông tin kĩ càng cũng như chuẩn bị một khoản tiền kha khá trước khi quyết định nuôi những dòng cá này. Chúng bao gồm cá rồng, cá hổ, sam, cá la hán, cá sấu hỏa tiễnCác dòng cá lóc cảnh hiện nay cũng đang rất được ưa chuộng, có thể kể đến cá lóc nữ hoàng, cá lóc hoàng đế, cá lóc vảy rồng.

setup-be-ca-moi-bat-dau-5
Các dòng cá cảnh size lớn

Nếu bạn mới chơi, những loài cá này không nên dành cho bạn.

Điểm 4/10.

1.5. Lời khuyên

Bạn nên tìm hiểu thật kĩ giống cá mình muốn nuôi trước khi quyết định để tránh những sai lầm hoặc mất mát không đáng có trong quá trình nuôi.

Nên bắt đầu với những dòng cá cảnh nhỏ, không nên nuôi cá vàng, cá chép ở bể nhỏ và không nên nuôi các dòng cá đắt tiền nếu bạn không có kinh nghiệm.

2. Xác định vị trí và kích thước bể cá mong muốn.

Việc đầu tiên trong quá trình nuôi cá, bạn phải biết được mình sẽ sử dụng chiếc bể nào cho phù hợp với nhu cầu của bản thân.

Blog chó mèo khuyên bạn nên bắt đầu với 1 chiếc bể với kích thước vừa phải 30x30x40cm hoặc 40x40x60cm. Đây là kích thước bể hợp lý nhất cho những dòng cá cảnh nhỏ cơ bản hiện đang bán trên thị trường Việt Nam.

Lưu ý:

setup-be-ca-moi-bat-dau-6
Những chiếc bể như thế này sẽ khiến chú cá của bạn ra đi rất nhanh
  • Bể càng to sẽ càng tốn công sức, tiền bạc và sẽ khó chăm sóc khi bạn không có đủ kinh nghiệm. Chi phí đi kèm cho một chiếc bể lớn sẽ đội lên rất nhiều.
setup-be-ca-moi-bat-dau-7
Bể càng to chi phí chăm càng đắt đỏ
  • Với những loại bể kính, thủy tinh, nên để ở khu vực thoáng mát trong nhà, tránh ánh nắng, hạn chế để ở ngoài ban công vì sẽ sinh rêu tảo, khó kiểm soát.

Chính vì vậy, xin nhắc lại lời khuyên của Blog chó mèo cho các bạn là nên chuẩn bị một chiếc bể vuông hoặc chữ nhật với kích thước vừa phải 30x30x40cm hoặc 40x40x60cm vì chúng:

  • Vừa phải, dễ chăm sóc cho người mới nuôi.
  • Chi phí hợp lý.
setup-be-ca-moi-bat-dau-8
Những chiếc bể cá với kích thước phù hợp với người mới nuôi

3. Chuẩn bị những dụng cụ đi kèm bể cá

Một số dụng cụ bắt buộc phải có cho một bể cá cảnh bao gồm bộ lọc nước, đèn bể cá và máy sủi không khí.

3.1. Bộ lọc bể cá

Bộ lọc bể cá là vật dụng bắt buộc phải có cho mỗi bể cá. Chúng có thể

  • Hòa tan oxi trong nước, giúp cá hô hấp
  • Loại bỏ các chất thải bẩn trong nước, giúp nước trong sạch hơn
  • Xử lý các chất có hại trong bể cá, cung cấp môi trường sạch sẽ cho cá sinh trưởng.

Bộ lọc bể cá là quan trọng nhất cho một chiếc bể cá. Một bể cá không có bộ lọc phù hợp thì sẽ không ổn định và có thể khiến nước bẩn, cá ốm yếu, có nguy cơ mắc các loại bệnh thường gặp ở cá thậm chí là gây tử vong cho cá.

Bạn nên lựa chọn những loại lọc phù hợp với kích thước bể. Có thể tham khảo người bán hoặc các hội nhóm tư vấn miễn phí trên Facebook. Dưới đây là một số loại lọc dễ sử dụng mà Blog muốn đề xuất cho bạn.

3.1.1. Bộ lọc si sinh bio

setup-be-ca-moi-bat-dau-9
Một bộ lọc bio cho bể cá

Đây là bộ lọc kết hợp với máy sủi oxi, có nhiệm vụ chủ yếu là thu thập chất bẩn lơ lửng trong nước, là môi trường cho vi sinh phát triển, xử lý các chất thải trong bể cá. Ngoài ra bộ lọc này cũng cung cấp dưỡng khí hòa tan trong bể rất tốt. Nhược để là loại lọc này không thể thu thập những chất bẩn có kích thước lớn hay nằm ở đáy bể cá.

Điểm 7/10

3.1.2. Lọc thác

setup-be-ca-moi-bat-dau-10
Lọc thác cho bể cá

Bộ lọc thác cơ bản lấy nước từ bể cá đi qua các màng lọc để xử lý và trả lại bể. Loại lọc này có kích thước vừa phải, nhỏ gọn, có độ thẩm mĩ tốt. Nhược điểm là bộ lọc này có diện tích chứa vật liệu lọc không cao, phải mồi nước và chỉ có thể chạy khi nước trong bể đạt một dung tích nhất định. Bù lại thì loại lọc này thu thấp chất bẩn tốt hơn so với bộ lọc vi sinh bio.

Điểm 7/10

3.1.3. Lọc trong

Thiết kế để lắp gọn gàng trong bể, loại lọc này xử lý chất bẩn bằng các tấm mút ở trong và trả lại môi trường nước sạch cho cá. Nhược điểm của loại lọc này có thể là khá tốn diện tích bể cá.

setup-be-ca-moi-bat-dau-11
Bộ lọc trong bể cá

Điểm 7/10

3.1.4. Lọc treo

Là bộ lọc có khả năng xử lý chất lượng nước tốt nhất cho người chơi mới bắt đầu. Tuy vậy thì người chơi cũng sẽ mất một khoảng thời gian nho nhỏ để học và xử lý cách sử dụng của bộ lọc này sao cho tốt ưu nhất. Giá thành của bộ lọc này cũng cao hơn so với những bộ lọc kể trên.

setup-be-ca-moi-bat-dau-12
Lọc treo hiện tại đang là một trong những bộ lọc tối ưu nhất dành cho người mới bắt đầu setup bể cá

Điểm 9/10

3.1.5. Một số loại bộ lọc khác:

Lọc tràn trên, lọc tràn dưới, lọc đáy,… Những bộ lọc này có thể sử dụng cho các bể chuyên dụng với dung tích cao và mật độ cá lớn. Một số bộ lọc cũng yêu cầu setup và sử dụng theo những phương thức phức tạp hơn. Những bộ lọc này đương nhiên sẽ xử lý nước tối ưu hơn, nhưng giá thành lắp đặt và sử dụng cũng không quá rẻ, có thể không phù hợp với người mới bắt đầu.

setup-be-ca-moi-bat-dau-13
Một bộ lọc tràn trên cho bể nhiều cá

3.2. Máy sủi oxi

Máy sủi oxi nhằm cung cấp dưỡng khí cho cá cũng như cho vi sinh để xử lý chất thải bể cá. Máy sủi oxi kết hợp rất tốt với bộ lọc vi sinh bio để xử lý các chất có hại trong bể.

setup-be-ca-moi-bat-dau-14
Bộ sủi khí thường kết hợp với bộ lọc bio

3.3. Đèn bể cá

setup-be-ca-moi-bat-dau-15
Đèn sẽ giúp bể cá đẹp hơn rất nhiều

Để cung cấp ánh sáng cho bể cá, các loại cây thủy sinh cũng như làm màu sắc các chú cả trong bể bắt mắt và đẹp đẽ hơn.

3.4. Lời khuyên

Nếu bạn không đủ chi phí để mua các loại vật dụng cao cấp cần thiết, ít nhất hãy sắm cho chiếc bể cá của bạn một chiếc lọc si sinh bio và một chiếc máy sủi. Một chiếc bể cá không được xử lý nước giống như một chiếc “bể phốt” vậy, những chú cá sẽ chết dần trong không gian tràn ngập chất thải của chính chúng, thật tệ vô cùng đúng không nào?

Bạn cũng có thể vào các hội nhóm thanh lý vật dụng bể cá trên Facebook để mua những món đồ chất lượng và giá rẻ mà những người không còn nhu cầu muốn để lại. Đây cũng là nơi mọi người giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá của mình.

Hãy sắm một bộ lọc cho chiếc bể cá của bạn.

4. Những vật dụng khác trong Setup bể cá

4.1. Trải nền

Bạn có thể trải nền bể cá để khiến bể trông tự nhiên và giống môi trường hoang dã hơn. Một số vật liệu trải nền phù hợp cho bạn

  • Đất nền
  • Sạn suối
  • Cát
  • Sỏi nhỏ

Lưu ý rằng lớp nền ngoài là khu vực lưu trữ vi sinh cho bể cá, chúng cũng có khả năng tích tụ phân cá, các chất bẩn. Nếu chưa có kinh nghiệm, bạn chỉ nền trải lớp nền dày từ 1-2 cm để tạo cảnh quan cho bể cá.

setup-be-ca-moi-bat-dau-16
Lớp nền giúp bể tự nhiên hơn

Bạn cũng có thể lựa chọn không trải nền để hạn chế tối đa chất bẩn tích tụ dưới đáy bể cá.

Theo quan điểm cá nhân, Blog khuyên các bạn nên trải một lớp nền mỏng để trang trí cũng như giúp môi trường bể tự nhiên hơn.

4.2. Cây cối trong bể

Với những người mới chơi, bạn có thể sử dụng cây thật hoặc cây giả. Đối với cây thật, những loại cây hợp lý bao gồm cây ráy, thanh đản, dương xỉ,… Những loại này có sức sống bền, phát triển tốt.

setup-be-ca-moi-bat-dau-17
Cây thanh đản là một trong những loại cây rẻ tiền dễ sống

Hạn chế chơi các loại cây cắt cắm, chúng có thể rất đẹp vào thời gian đầu, nhưng chúng sẽ nhanh chóng úa tàn và gây mất thẩm mĩ nếu không được đáp ứng những điều kiện  khắt khe về chăm sóc. Bạn không nên chơi những loại cây này nếu chưa có kinh nghiệm và thời gian tìm hiểu.

setup-be-ca-moi-bat-dau-18
Bể cây cắt cắm rất đẹp nhưng yêu cầu kĩ thuật cao và không dành cho người mới nuôi

Bạn có thể bắt đầu bằng 1-2 cây thanh đản, lan nước. Dương xỉ sẽ yêu cầu nước lạnh nhiều hơn và ráy thì hơi khó hơn một chút, sẽ cần có kinh nghiệm chăm sóc tốt hơn.

4.3. Đồ trang trí

Thường thì trang trí sẽ tùy vào gu thẩm mĩ mỗi người. Các bạn có thể trang trí những mô hình bằng sứ hoặc nhựa, lũa cảnh, đá cảnh,… Nếu bạn có khả năng, hãy thử mua đồ và tự setup, tạo một bố cục thủy sinh cho mình. Hoặc nếu không bạn có thể đặt mua các bố cục trang trí từ những cơ sở bán cá cảnh và phụ kiện bể cá uy tín. Bạn cũng có thể chọn không trang trí. Tất cả tùy thuộc vào nhu cầu của từng người.

Nên chọn các bố cục tự nhiên để phù hợp với cảnh quan hoang dã, giúp cá thoải mái sinh trưởng phát triển.

setup-be-ca-moi-bat-dau-21
Bể cá khi có cây nhìn sẽ tươi tốt và tự nhiên hơn nhiều

5. Tiến hành setup bể cá

Bạn không nên mua cá và setup bể cùng 1 ngày. Nên để bể chạy ít nhất t tuần trước khi thả cá. Điều này là vô cùng quan trọng

Nếu bạn thả cá ngay khi môi trường nước chưa ổn định, khả năng cá chết là rất cao.

  • Đặt bể ở khu vực hợp lý trong nhà bạn
  • Trải lớp nền nhẹ nhàng dày từ 1-2 cm, nếu lớp nền còn bám bụi bẩn, hãy rửa qua bằng nước sạch. Không rửa đất nền.
  • Lắp thiết bị lọc cho bể cá, chú ý xem các sử dụng của từng loại lọc khác nhau.
  • Setup hoặc đặt layout, các vật dụng trang trí vào bể cho phù hợp trước khi vào nước
  • Đặt một tấm nilon nhỏ xuống đáy nền và bắt đầu vào nước bể. Rót nước vào tấm nilon để nước dàn đều ra, không bị xáo trộn bố cục cũng như làm vẩn đục nước.
  • Cho vi sinh vào bể, khởi động hệ thống lọc và bây giờ bạn chỉ cần chờ để thả cá thôi.

Xin nhắc lại, bạn nên để hệ thống vi sinh trong bể ổn định rồi mới nên thả cá. Nếu mật độ cá mỏng, thời gian có thể giảm xuống. Bể càng lớn và mật độ cá càng dày thì càng nên để hệ thống vi sinh ổn định lâu hơn. Điều này là về vấn đề nuôi cá lâu dài. Bạn không nên quá vội vàng ở một giai đoạn mà có thể nhận lại những hậu quả không mong muốn sau này.

setup-be-ca-moi-bat-dau-19
Khởi tạo vi sinh bể cá bằng men Extrabio hoặc các loại men vi sinh khác

Sau một thời gian, bạn có thể bắt đầu thả cá. Cần thả cá đúng cách để giúp cá nhanh thích nghi với môi trường bể, khỏe mạnh và không stress.

5.1. Ước lượng số lượng cá phù hợp trong bể

Bạn có thể ước lượng số lượng cá phù hợp trong bể bằng cách áng chừng chiều dài của bể với chiều dài của mỗi chú cá. Lý tưởng nhất là nếu bạn xếp những chú cá trên một đường thẳng, chúng có độ dài tươn đương với độ dài của bể cá. Số lượng có thể thay đổi tùy theo nhu cầu mỗi người. Nhưng bạn cũng nên khảo sát khả năng sinh trưởng của cá trước khi nuôi. Một số loài sẽ còn phát triển với kích thước lớn hơn kích thước lúc bạn mua khá nhiều.

5.2. Một số câu hỏi nên hỏi trước khi mua cá

Nếu bạn mua cá, sau đây là một số câu hỏi bạn nên khảo sát người bán trước khi mua:

  • Kích thước tối đa của chúng?
  • Chúng có hợp để nuôi với những con khác trong bể của bạn, có đánh nhau không?
  • Có yêu cầu chăm sóc cao không?

Nếu bạn mới chơi cá, đây là những câu hỏi cơ bản nhất bạn nên quan tâm khi đi mua.

6. Ước tính chi phí cho một chiếc bể cá nhỏ với những vật dụng cơ bản nhất

6.1. Bể cá

Bể cá 30*30*40 có giá khoảng 200.000 hoặc 100.000 nếu bạn mua thanh lý

Bể cá 40*40*60 có giá từ 400.000 – cao hơn tùy vào chất lượng bể kính của bạn

6.2. Hệ thống lọc phù hợp

  • Lọc vi sinh bio kèm bộ sủi không khí: từ 200.000 đến cao hơn
  • Lọc thác cỡ nhỏ có giá khoảng 100.000. Những loại cao cấp hơn giá thành sẽ đắt hơn.
  • Lọc treo có giá từ 200.000 – 500.000 bao gồm cả vật liệu lọc.

6.3. Trang trí bể

  • Cây cảnh có giá 60.000 trở lên
  • Layout tự làm có giá khoảng 100.000 trở lên
  • Layout làm sẵn từ 300.000 trở lên đã bao gồm cả cây cảnh
  • Các đồ trang trí mini khoảng 100.000

6.4. Đèn bể cá

Từ khoảng 100.000 trở lên.

6.5. Chi phí phụ

Bột vi sinh Mai Vàng 30.000.

6.6. Cá cảnh

Với khoảng 200.000 – 300.000 là bạn đã có một đàn cá váy đủ màu sắc sặc sỡ với số lượng khoảng 10 con rồi.

Với số tiền khoảng 800.000 – 1.500.000 là bạn có thể có cho mình một chiếc bể cá nhỏ xinh, có khả năng chơi lâu bền rồi. Dĩ nhiên là bạn cũng cần học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc nữa.

setup-be-ca-moi-bat-dau-20
Một chiếc bể cá hoàn thiện với chi phí từ 800 tới 1500

7. Lời kết

Trên đây là tất tần tật những gì bạn cần biết khi chưa có kinh nghiệm và muốn bắt đầu nuôi một chiếc bể cá đẹp đẽ, khỏe mạnh và lâu dài. Theo dõi Blog chó mèo để biết thêm những thông tin thú vị về thú cưng cũng như động vật nói chung nhé.