Các Bệnh Thường Gặp của Poodle

5/5 - (2 bình chọn)

Thật hạnh phúc khi gia đình bạn đang có một bé Poodle dễ thương. Nhưng Poodle không phải là loài có thể chất tốt nên các em ấy rất dễ mắc bệnh. Hãy cùng Blog Chó Mèo điểm qua các bệnh thường gặp của Poodle nhé

Dấu hiệu Cún mắc bệnh

Đi đứng loạng choạng không vững

Nếu cún cưng tự nhiên bước đi loạng choạng không vững, hoặc tập tễnh chân trước chân sau trước tiên sen nên nghĩ đến xem có phải dưới chân của cún giẫm đạp phải vật lạ gì không hay có phải bị thương không,… Nếu không phát hiện điều gì bất thường thì có khả năng Poodle đã bị viêm xương khớp. Bệnh này dẫn đến đau đớn ảnh hưởng đến việc bước đi của cún cưng. Nếu không có thể là bị bệnh còi xương hoặc các bệnh liên quan tới xương, xương phát triển không tốt. Khi chạm hoặc sờ vào chân cún, nếu bé kêu lên thì có thể là bị gãy xương hoặc trật khớp.

Bỏ bữa, kén ăn

Hôm nay bạn đã chuẩn bị một bữa thịnh soạn chiêu đãi cún cưng nhưng đáp lại sự hứng thú của bạn chỉ là cái ngoảnh mặt làm ngơ của cún thì cũng đừng vội tức giận. Khi cún bắt đầu bỏ bữa sen hãy quan sát thêm một thời gian. Nếu lượng thức ăn không bằng một nửa lúc thường, chú chó Poodle chỉ thích nằm không động đậy thì phải đưa đến bệnh viện thú y kiểm tra.

Rụng nhiều lông

Poodle là một giống cún được mọi người yêu thích. Bộ lông chính là chiếc áo khiến cún trở nên đáng yêu hơn. Có nhiều nguyên nhân khiến một chú Poodle rụng lông. Có thể là do thiếu dinh dưỡng. Nếu thiếu protein, vitamin cơ thể chúng sẽ không đủ protein cần thiết để nuôi dưỡng lông. Thiếu protein sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của lông, mà thiếu vitamin B sẽ dẫn đến hiện tượng rụng lông.

Các bệnh về da như nấm, viêm da, ghẻ… đều sẽ dẫn đến hiện tượng rụng lông. Nếu chú cún bị bệnh giun móc sẽ gầy, kết mạc nhợt nhạt, lông thô rối và không sáng bóng dễ bị đứt gãy. Phần lưng sẽ xuất hiện những mảng lông rụng, lộ da, trên da sẽ có mụn.

Đôi khi rụng lông còn là do sự thay đổi của khí hậu. Để thích nghi hơn với môi trường, Poodle sẽ rụng lông và mọc lông mới để phù hợp hơn.

Ho

Poodle rất dễ bị ho, đặc biệt là khi trời trở lạnh. Cũng giống như ở người, các biểu hiện về ho cho thấy cơ quan hô hấp và phế quản có vấn đề bất thường. Nếu trước đó cún cưng bị cảm nhưng không kịp điều trị cũng có khả năng dẫn đến viêm phế quản hoặc viêm phổi. Nếu bị ho nghiêm trọng, có khả năng đó là bệnh suyễn. Khi bị mắc những bệnh truyền nhiễm viêm phế quản cũng sẽ ho, nên sớm đến gặp bác sĩ để được điều trị.

Sẽ rất khó để phát hiện ra cún bị ốm nếu không để tâm và quan sát. Cung cấp một chế độ dinh dưỡng, tập luyện phù hợp và thực hiện các biện pháp y tế đầy đủ sẽ giúp Poodle hạn chế được các bệnh thường gặp nhất.

Tổng hợp bệnh nguy hiểm thường gặp ở chó Poodle

Thực tế Poodle lại khá yếu và thường hay mắc bệnh khi không được chăm sóc cẩn thận. Nếu bạn đang nuôi hoặc đang có ý định nghĩ đến việc nuôi một em Poodle, bạn nên biết được những vấn đề sức khỏe hay gặp ở giống chó này.

Chó Poodle bị tiêu chảy

Bệnh tiêu chảy thường xảy ra ở chó Poodle song không quá nguy hiểm

Chó Poodle bị tiêu chảy hay chó bị đi ngoài là hiện tượng thường gặp đặc biệt ở chó con. Lúc này sức đề kháng bé còn yếu và hệ tiêu hóa chưa ổn định. Mặc dù đây chỉ là chứng bệnh thông thường nhưng bạn cũng đừng nên chủ quan xem nhẹ nó.

Nguyên nhân gây bệnh

  • Đầu tiên phải kể đến thức ăn, đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tiêu chảy ở cún. Bé ăn phải các loại thức ăn lạ, ôi thiu, hư hỏng, nhiều dầu mỡ hoặc bị cho ăn quá nhiều,…
  • Do rối loạn tiêu hóa.
  • Chó rất nhạy cảm với việc thay đổi thức ăn. Việc thay đổi đột ngột khiến cơ thế cún chưa kịp thích nghi. Do đó, cần thay đổi thức ăn từ từ trong 1-2 tuần.
  • Bé bị stress do ngồi tàu xe trong thời gian dài, không đi quen xe hoặc bị nuôi nhốt trong lồng quá nhiều, ít được vui đùa, quan tâm,… cũng là một trong số những nguyên nhân.

Biểu hiện và triệu chứng

 

Thứ nhất, bé đi ngoài nhiều cụ thể là nhiều hơn 3-4 lần trên ngày. Thứ hai, xuất hiện triệu chứng sốt, nôn mửa, đau khi rặn. Phân bé có mùi thối, tanh trong phân chứa máu nhầy. Thứ ba, cún sẽ ít hoạt động, ở trong trạng thái ngủ mê man, ăn ít, chán ăn. Đặc biệt, một trong những vấn đề nguy hiểm khi bị tiêu chảy là mất nước, lúc đó da bé nhăn lại, mắt trũng, miệng khô không điều trị kịp thời có thể chết.

Cách chữa trị

Đầu tiên, để có cách điều trị hiệu quả và kịp thời thì bạn cần xác định rõ nguyên nhân gây bệnh là gì? Sau đó, tùy vào mức độ, nếu nhẹ thì có thể chữa trị tại nhà đến các cơ sở thú y mua thuốc cho bé dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Cuối cùng, nếu không thấy tiến triển có thể bé cún đã mắc bệnh nguy hiểm như viêm đường ruột, parvo,… thì bạn cần đưa bé Poodle đến bác sĩ thú y ngay lập tức.

Đối với chó Poodle con bị tiêu chảy thông thường

  • Cho chó Poodle ngừng ăn ngay lập tức khi phát hiện bệnh. Để dạ dày và ruột chó rỗng trong vòng 12-24h.
  • Primperan đường tiêm 1mg/2kg/lần, ngày 3 lần có tác dụng chống nôn.
  • Loperamid hydroclorid 2mg/15kg/lần, ngày uống 3 lần có tác dụng cầm tiêu chảy.
  • Bù, cung cấp nước và điện giải
  • Bổ sung thêm glucose 5% hoặc 10% hoặc 30% để chó nhanh hồi phục.

Đối với chó Poodle bị tiêu chảy do mắc bệnh truyền nhiễm

Nếu thấy chó Poodle con có biểu hiện đặc trưng của bệnh truyền nhiễm như: sốt cao, tiêu chảy kết hợp ói, bỏ ăn, phân chứa máu nhầy tanh, hôi thì bạn nên mang cún đến cơ sở thú y để được bác sĩ chuẩn đoán và theo dõi điều trị.

Mặc dù các bệnh truyền nhiễm do virus chưa có vắc-xin đặc trị. Tuy nhiên, có thể dùng một số loại thuốc kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ để kiểm soát bệnh tiêu chảy.

Cách phòng tránh bệnh

 

  • Trước tiên phải đảm bảo thức ăn cho bé cún phải đước ăn chín, tránh ăn thức ăn thừa, để lâu ngày,… Vì bé còn nhỏ nên hệ tiêu hóa ổn định không nên cho bé ăn các đồ tanh sống như trứng, gan,… hoặc các loại thức ăn có xương ống.
  • Nơi ở, chuồng trại môi trường sống xung quanh bé phải được giữ sạch sẽ, thoáng mát để hạn chế sự lây lan của vi khuẩn. Tốt nhất là nên khử trùng định kỳ.
  • Để phòng bệnh tốt nhất thì các bé cún mới sinh được 2-3 tuần tuổi cần tiêm phòng mũi đầu tiên sau đó tiêm theo liệu trình quy định. Bên cạnh đó, kết hợp tẩy giun để các bé được bảo vệ khỏi các bệnh truyền nhiễm cũng như các bệnh liên quan đến đường ruột.

Chó Poodle con bị viêm da

Sở hữu bộ lông xoăn dày và mọc dài nên đây là nơi trú ẩn lý tưởng của các ký sinh trùng sống trên da như: ve, rận, bọ chét,… Nếu không được cắt tỉa thường xuyên, nguy cơ những chú chó Poodle con bị viêm da là rất lớn. Ký sinh trùng bám trên da bắt đầu hút máu và sinh sản, lâu ngày sẽ dẫn đến bệnh ghẻ và nấm da. Khi bị bệnh bé cún cảm thấy vô cùng ngứa ngáy, khó chịu nên nếu không muốn thấy các bé khổ sở vì căn bệnh tai quái này thì chủ nuôi cần nhanh chóng chữa trị để không phải chịu những hậu quả nghiêm trọng về sau.

Nguyên nhân gây bệnh

  • Bắt nguồn từ ký sinh trùng như: ve rận, mò, bọ chét,… sống trên lông, tai cún hoặc các kẽ móng. >> Cách xử lý ve chó
  • Việc dị ứng từ các loại thuốc hay xà phòng tắm cho cún.
  • Chuồng trại thiếu vệ sinh, các ổ đệm không được thay thường xuyên, sạch sẽ.
  • Do lây tiếp xúc trực tiếp với các bé cún bị viêm da.
  • Viêm da cũng bắt nguồn khi bị nhiễm trùng từ các vết thương hở.

Biểu hiện và triệu chứng

Biểu hiện chung hầu hết các bé chó Poodle con là cảm thấy vô cùng ngứa ngáy, khó chịu. Bé sẽ bị ngứa da, liên tục cọ xát chỗ ngứa xuống mặt đất rồi cào cấu, liếm vào chỗ ngứa. Tiếp theo, lông bắt đầu rụng, thường ở khu vực mắt sau đó đến toàn thân và các chia thành nhiều mảng to nhỏ khác nhau. Nếu không được chữa trị sẽ bắt đầu xuất hiện các vết lở loét, chảy nước, đóng vảy ở vùng da bị viêm và cơ thể bốc mùi hôi khó chịu.

 

Một chú chó Poodle con bị viêm da dẫn đến rụng lông

Cách chữa trị

  • Viêm da do ký sinh trùng gây nên do đó bạn cần loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể cún bằng cách vạch lông ở tai, kẽ chân và có thể bắt trực tiếp bằng tay.
  • Tuyệt đối trong thời gian bị bệnh không được tắm rửa cho các bé bằng dung dịch nước tẩy như xà phòng tắm, sữa tắm. Bởi đây là lúc da bé vô cũng nhạy cảm không cẩn thận sẽ càng làm tình trạng bệnh trở lên nặng hơn.
  • Khi tắm xong cần lau sạch bằng khăn hoặc sấy khô lông cho bé. Vì lông ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi.
  • Ở các vùng da chó Poodle con bị viêm bạn cần cạo sạch lông để da được thoáng cũng như hạn chế sự sinh sôi của vi khuẩn. Tiếp đó đến cơ sở thú ý mua các loại thuốc đặc trị viêm da bôi theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Nếu thấy tình trạng bệnh không tiến triển mà càng nặng hơn thì bạn nên đưa bé đến bác sĩ thú y để được thăm khám, theo dõi và điều trị.

Cách phòng bệnh

  • Chú ý kiểm tra da chó Poodle con thường xuyên phòng trường hợp bị bệnh để có những phát hiện kịp thời.
  • Tắm rửa cho bé bằng các loại sữa tắm dành riêng cho thú cưng, giữ cơ thể luôn sạch sẽ, khô ráo.
  • Vệ sinh thường xuyên các ổ, đệm cho cún, tránh để ẩm ướt mất vệ sinh.
  • Không cho bé tiếp xúc với các bé cún đang bị bệnh.

 

Bệnh Parvo ở chó Poodle

Có thể nói đây là căn bệnh truyền nhiễm xảy ra ở hầu hết các giống chó, rất dễ lây và lây lan từ chó sang chó đặc biệt là chó con độ tuổi từ 1-6 tháng. Blog chó mèo đã có bài chi tiết về Bệnh Parvo ở chó – Cực nguy hiểm tỷ lệ chết 80-100%

Nguyên nhân gây bệnh

  • Do lây nhiễm từ những chú chó bị bệnh.
  • Lây gián tiếp từ phân của các cá thể nhiễm bệnh.
  • Virus bám vào thức ăn, nước uống, chó ăn phải theo đường tiêu hóa vào cơ thể.

Biểu hiện và triệu chứng

Chó Poodle con nhiễm bệnh Parvovirus thể hiện triệu chứng trong vòng ba đến bảy ngày. Các dấu hiệu có thể bao gồm lờ đờ, nôn mửa, sốt và tiêu chảy (thường ra máu). Nói chung, dấu hiệu đầu tiên của Parvo là lờ đờ. Tiếp đến, chó bắt đầu sụt cân và thèm ăn hoặc tiêu chảy sau đó là nôn mửa. Tiêu chảy và nôn mửa dẫn đến mất nước, làm mất cân bằng điện giải và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chó. Nhiễm trùng thứ phát xảy ra do hệ thống miễn dịch suy yếu. Bởi vì niêm mạc ruột cũng sẽ bị tổn thương, máu và protein chảy vào ruột, dẫn đến thiếu máu và mất protein, và nội độc tố thoát vào máu, gây ra nhiễm độc huyết. Chó có mùi khác lạ trong những giai đoạn sau. Nồng độ bạch cầu giảm, làm cá thể nhiễm bệnh suy yếu hơn nữa. Những triệu chứng này có thể dẫn đến sốc và tử vong. Chó con thường có tỉ lệ sống thấp hơn.

Cách chữa trị

Bệnh Parvo rất dễ gặp ở chó Poodle đặc biệt là chó con

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị cho căn bệnh này, tỷ lệ sống phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh, tuổi của chó và độ hiệu quả của phương pháp điều trị. Chó Poodle nhiễm bệnh thường phải nhập viện, do tình trạng mất nước nghiêm trọng và nguy cơ ảnh hưởng đến ruột và tủy xương. Bác sĩ thú y sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp với từng chú chó. Nguyên lý để chữa trị bệnh parvo ở chó Poodle là bổ sung nước và các chất điện giải đã mất do quá trình tiêu chảy. Chó nhiễm bệnh được truyền nước bù điện giải, thuốc chống nôn và kháng sinh được tiêm dưới da, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch. Một khi có thể kiểm soát được mức độ mất nước, chó không còn cần truyền nước bù điện giải nữa, dần dần có thể ăn thức ăn nhạt. Tuyệt đối không làm ở nhà mà hãy đưa chó Poodle con nhà bạn đến những cơ sở thú y uy tín càng sớm càng tốt.

Cách phòng tránh bệnh

Phòng ngừa là cách duy nhất để đảm bảo chó của bạn vẫn khỏe mạnh vì căn bệnh Parvovirus này cực kỳ nguy hiểm và dễ lây lan. Nên thực hiện tiêm phòng cho chó từ khi 7- 8 tuần tuổi, mỗi mũi tiêm sẽ được nhắc lại mỗi 3-4 tuần cho đến khi chó được ít nhất 16 tuần tuổi.

Tránh xa với những chú chó bị nhiễm bệnh đồng thời bảo đảm rằng thức ăn hàng ngày của chó Poodle con được nấu chín, tuyệt đối không ăn đồ tanh sống hay thức ăn thừa, ôi thiu để lâu ngày.

Bệnh đường ruột

Mặc dù dễ nuôi nhưng hệ tiêu hóa của chó Poodle không thật sự tốt nên giống chó này thường mắc các bệnh liên quan đến đường ruột. Tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng song không chữa trị kịp thời chó Poodle con hấp thụ kém dẫn đến còi cọc, ốm yếu và chậm lớn.

Nguyên nhân gây bệnh

  • Chó Poodle con ăn phải thức ăn và nước uống bẩn, mất vệ sinh.
  • Nơi ở ẩm ướt, không được vệ sinh thường xuyên.
  • Lây lan virus như Parvo, Care,…

Biểu hiện và triệu chứng

Trước tiên, bạn sẽ thấy chú Poodle nhà mình có dấu hiệu chán ăn, bỏ ăn, ngày một ngày hai bắt đầu sốt cao kèm co giật, tiêu chảy và nôn mửa (phân chó có màu đen và mùi tanh hôi khó chịu). Lâu dần, cơ thể mất nước dẫn đến triệu chứng lờ đờ, bụng thóp lại, nằm một chỗ ít đi lại,.. Kéo dài tình trạng này chó Poodle mất nước nghiêm trọng, lúc nào cũng trong trạng thái mê man, người lạnh ngắt có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Cách chữa trị

Phát hiện bệnh sớm là cách tốt nhất để chữa khỏi bệnh bởi hầu hết những chú Poodle sẽ chết nếu không được điều trị kịp thời trong vòng 3-5 ngày đầu. Và để chữa bệnh liên quan đến đường ruột thì ngay sau khi phát hiện hãy đưa các bé đến cơ sở thú y để được kê đơn và chăm sóc.

Đặc thù hệ tiêu hóa yếu nên phải hết sức chú trọng đến chế độ dinh dưỡng của chó Poodle

Cách phòng tránh bệnh

  • Tẩy giun cho chó Poodle con 2-3 tháng một lần.
  • Tiêm vắc xin phòng bệnh định kì.
  • Đồ ăn sạch sẽ, phải được nấu chín kĩ càng trước khi cho các bé ăn. Vệ sinh khay đĩa hàng ngày, đồ ăn thừa, ôi thiu hay hết hạn thì bỏ đi.
  • Khi ra ngoài chơi thì nên quan sát chó Poodle cẩn thận, tránh để chúng ăn rác thải hay uống nước bẩn.

Poodle bị viêm phổi (ho cũi)

Viêm phế quản (ho cũi) hay các bệnh truyền nhiễm là mầm mống gây ra bệnh viêm phổi ở chó Poodle con.

Nguyên nhân gây bệnh

  • Do nguồn lây các loại virus, vi khuẩn liên quan đến đường hô hấp.
  • Lây từ mẹ sang con hay tiếp xúc với những chú chó đã mắc bệnh.
  • Môi trường sống xung quanh bẩn, không được thoáng đãng, vệ sinh sạch sẽ thường xuyên.
  • Ăn phải thức ăn, đồ uống có tác nhân gây bệnh hoặc ăn chung với chú chó bị mắc bệnh.
  • Do thay đổi thời tiết đột ngột từ nóng sang lạnh.

Biểu hiện và triệu chứng

  • Trước tiên chó Poodle cảm thấy mệt mỏi, lười vận động, ít đi lại nằm một chỗ, thở khò khè phát ra tiếng thở to.
  • Sốt cao, mắt đỏ, chảy nước mũi.
  • Xuất hiện các cơn ho, đau đớn khi ho, thở dốc. Khi nhiệt độ giảm về đêm và sáng sớm là lúc chú cún sẽ ho nhiều hơn, dần dần miệng chuyển từ đỏ sẫm sang tím tái. Lúc này chú chó hoàn toàn mệt mỏi, không có sức đi lại.

 

Cách chữa trị

Không giống như tiêu chảy, bệnh viêm phổi ở chó Poodle con khá nguy hiểm. Do đó, thường không tự ý điều trị ở nhà mà cần đưa đến các cơ sở thú y để thăm khám chữa trị.

Tùy vào mức độ nặng nhẹ của chó nhà bạn mà các bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị khác nhau. Đa phần các bé cún sẽ được thở oxy nếu có dấu hiệu suy hô hấp. Nếu bé đang bị mất nước hoặc sốc thì sẽ được truyền nước trong trường hợp bé không thể uống nước bằng miệng. Và thuốc kháng sinh cũng được dùng để kìm hãm sự phát triển bệnh.

Cách phòng tránh bệnh

  • Tiêm phòng theo định kì đầy đủ cho các bé.
  • Giữ sạch sẽ nơi ở, cho bé ở nơi khô ráo, kín gió.
  • Bổ sung thức ăn giàu chất dinh dưỡng, quan tâm chăm sóc bé để các bé có sức đề kháng tốt
  • Tránh cho các bé ra ngoài đặc biệt là thời điểm sáng sớm và đêm muộn vào những ngày thời tiết lạnh.

Lời kết

Trên đây là một số bệnh thường gặp ở chó Poodle con mà Blog Chó mèo muốn chia sẻ với các bạn. Nếu thấy cún cưng của mình có biểu hiện các bệnh như trên thì hãy nhanh chóng điều trị để tránh các trường hợp xấu xảy ra. Nhìn thấy thú cưng khỏe mạnh không chỉ là niềm hạnh phúc của các bạn nuôi cún nói riêng mà còn là niềm vui chung của chúng mình trong việc góp phần xây dựng cộng đồng thú cưng lành mạnh. Mong rằng đây sẽ là thông tin hữu ích để giúp việc nuôi cún của các bạn trở nên dễ dàng hơn, từ đó có những phút giây vui vẻ bên những chú cún đáng yêu. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết!

Bài viết: Các Bệnh Thường Gặp của Poodle

Link: https://blogchomeo.com/cac-benh-thuong-gap-cua-poodle/

About Cún cưng

Xin chào các bạn ! Mình là Cún Cưng, là chủ của Website Blogchomeo.com. Mình vốn là người yêu chó mèo và đam mê với tất cả các giống chó trên khắp thế giới. Do vậy mình lập ra Blogchomeo.com với mục đích sưu tầm, chia sẻ thông tin hiểu biết của mình về tất cả các giống chó, mèo trên thế giới và kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng chúng tới bạn đọc. Với tất cả kiến thức mà mình có Cún Cưng tôi sẽ giúp bạn có được nhiều kiến thức nhất để đánh giá về thú cưng. Tôi cam kết sẽ đưa những thông tin chi tiết và mới nhất đến các bạn. Nếu muốn chia sẻ hay đóng góp thêm cho Blog Chó Mèo của mình xin vui lòng Email cho tôi theo địa chỉ hòm thư điện tử [email protected] nhé, rất trân trọng những ý kiến đóng góp quý báu từ quý bạn đọc.

View all posts by Cún cưng →

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *