Bệnh Lepto ở chó là gì? – Tác hại, triệu chứng và cách điều trị!

5/5 - (6 bình chọn)

Bệnh Lepto ở chó là căn bệnh nguy hiểm có nguy cơ lây nhiễm rất cao và con người cũng có khả năng bị nhiễm bệnh. Nếu không được chữa trị thì chủ thể mắc bệnh sẽ nhanh chóng tử vong. Hãy cùng Blog Chó Mèo tìm hiểu cách phòng tránh căn bệnh quái ác này nhé!

1. Bệnh Lepto ở chó là gì?

Bệnh Lepto (hay còn gọi là bệnh xoắn khuẩn) là căn bệnh truyền nhiễm do một loại vi khuẩn hình xoắn ốc có tên là Leptospira gây ra. (Nguồn: Wikipedia)

Bệnh Lepto ở chó xảy ra nhiều ở các nước Châu Phi, Nam Mỹ và Châu Á. Thông thường bệnh xảy ra vào đầu mùa hè, mùa thu hoặc những mùa nước lên, lũ lụt. Chó trưởng thành có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn, đặc biệt là chó đực.

Bệnh Lepto lây từ động vật sau đó lây lan sang người và các động vật khác qua nước tiểu, tinh dịch và sau khi sinh hoặc sau khi nạo thai. Chú chó khỏe mạnh sẽ tiếp xúc với nước tiểu hay nước bọt của vật chủ mang bệnh. Có thể là chúng vô tình liếm phải hay chỉ đơn giản là tiếp xúc qua da. Khi đó, vi khuẩn Leptospira khi đó sẽ xâm nhập vào cơ thể và gây ra bệnh xoắn khuẩn. 

Nguồn bệnh phổ biến nhất là gấu trúc, thú có túi, động vật gặm nhấm, chồn hôi và chó.

2. Triệu chứng bệnh Lepto ở chó

Một số con chó khi nhiễm vi khuẩn Leptospira có ít biểu hiện hoặc thậm chí không biểu hiện ra triệu chứng bệnh. Khi đó, chúng ta rất khó để nhận biết được chúng. Thời gian ủ bệnh xoắn khuẩn là từ 5-14 ngày thậm chí có thể lên tới 30 ngày.

Một số triệu chứng bệnh Lepto ở chó được biểu hiện như sau:

2.1. Thể quá cấp tính

  • Chó sốt cao đột ngột 40,5-42 độ C.
  • Chó bỏ ăn, mệt mỏi, mắt lờ đờ, chân sau yếu. Xuất hiện hiện tượng xung huyết kết mạc
  • Thân nhiệt sau đó giảm xuống 37-38 độ C
  • Chó ủ rũ, khó thở, khát nước và có biểu hiện nôn mửa
  • Niêm mạc và da vàng sẫm
  • Chảy máu mũi hoặc nôn ra máu
  • Chó gầy rất nhanh, thân nhiệt hạ dần, khó thở rồi chết trong vòng 3-5 ngày
benh-lepto-o-cho-1
Bệnh Lepto khiến chó bị vàng da

2.2. Thể cấp tính

  • Chó sốt cao trên 40 độ
  • Mệt mỏi, bỏ ăn hoặc ăn rất ít. Một số có biểu hiện hôn mê do thiếu máu
  • Niêm mạc và da vàng sẫm
  • Nước tiểu vàng ngả nâu vì huyết cầu bị phá hủy, có khi lẫn máu
  • Phù thũng ở mí, mắt, môi, má và hoại tử da
  • Suy thận, gan, nhiễm trùng máu.
  • Chó khó thở rồi dẫn tới tử vong

2.3. Thể mãn tính

  • Chó gầy yếu, rụng lông đặc biệt là phần lông bụng
  • Bụng phình to
  • Phù thũng ở mặt, yếm và ngực
  • Nước tiểu vàng hoặc màu nâu sẫm
  • Tiêu chảy dai dẳng
  • Nếu chó đang mang thai thì có khả năng bị sảy
benh-lepto-o-cho-2
Chó bị phù thũng mặt

3. Tác hại của căn bệnh Lepto ở chó

Đây là căn bệnh có tỷ lệ gây chết rất cao và có thể lây sang người nếu không phòng tránh kỹ càng. Bệnh Lepto gây ra triệu chứng sốt kéo dài, tổn thương gan phổi, gây viêm não, báng bụng và vàng da ở chó. Việc suy giảm chức năng gan, thận sẽ khiến chó tử vong nhanh chóng. Tuy tỷ lệ tử vong cao nhưng căn bệnh này vẫn có khả năng chữa trị chứ không như bệnh Care hay Parvo.

Tỉ lệ sống của chó mắc bệnh chỉ đạt từ 40-50% và sau khi điều trị chó sẽ trở nên yếu ớt, giảm sức đề kháng, cơ thể gầy yếu. 

4. Cách chữa bệnh Lepto ở chó

Phác đồ điều trị bệnh Lepto bạn có thể tham khảo như sau:

  • Dùng các loại thuốc đặc trị bệnh Leptospira như: Penicillin, Hanoxyline, Doxycycline…
  • Dùng kháng sinh phổ rộng: Ampicilline, Unasyn (Ampicilline và Sulbactam), Cephalosporin…
  • Thuốc điều trị các triệu chứng: Hạ men gan, chống nôn mửa, hạ sốt…
  • Thuốc làm tăng sức đề kháng: Vitamin C, vitamin B tổng hợp.
  • Truyền dịch nhằm cung cấp năng lượng, nước và các chất điện giải

Dù chó đang bị nhiễm bệnh ở mức độ nào thì bạn cũng nên đưa chúng đến bác sỹ thú y. Tùy vào mức độ bệnh của cún mà chúng sẽ có phác đồ điều trị bệnh Lepto cho phù hợp. Hãy nhớ rằng không được tự ý mua thuốc và tự chữa trị ở nhà nhé!

benh-lepto-o-cho-3
Chó bị bệnh xoắn khuẩn cần điều trị theo phác đồ phù hợp

5. Cách phòng tránh bệnh Lepto ở chó

Cách tốt nhất để phòng ngừa căn bệnh Lepto ở chó là tiêm vaccine. Tuy nhiên, loại vaccine phòng bệnh Lepto có thể gây ra một số biến chứng và tác dụng phụ khiến chó phản ứng mạnh sau khi tiêm. Bạn nên cho cún tiêm mỗi năm 1 lần theo định kỳ. Đối với những nơi hay có dịch Lepto, thì chó có thể được tiêm 6 tháng/lần.

Một điều quan trọng mà bạn cần lưu ý là: Tiêm vaccine không phải là việc an toàn tuyệt đối. Bởi vi khuẩn Leptospira có nhiều chủng. Vì vậy dù cún đã tiêm phòng nhưng vẫn có khả năng bị nhiễm các chủng vi khuẩn khác.

Xem thêm: Tại sao phải tiêm phòng cho chó? – Những điều cần biết trước khi tiêm

Ngoài tiêm vaccine, một số cách cụ thể để bạn phòng căn bệnh Lepto ở chó là:

  • Vệ sinh sạch sẽ nơi ở của chó. Tránh để nơi ở ẩm mốc hay có chuột.
  • Nếu chó có biểu hiện không khỏe cần cách ly ngay lập tức.
  • Dùng găng tay, đồ dùng bảo hộ khi vệ sinh cho chó bệnh. Đặc biệt là khi xử lý nước tiểu và phân của chó nhiễm vi khuẩn Leptospira.
  • Không cho chó tiếp xúc với những con chó lạ.
  • Đeo rọ mõm cho cún khi đi ra ngoài.

Trên đây là những thông tin cơ bản về căn bệnh Lepto ở chó mà bạn cần biết. Sau khi nắm rõ những thông tin trên, chắc chắn bạn sẽ tự tin chăm sóc cho cún và bản thân mình. Chúc cho chú chó của bạn luôn khỏe mạnh nhé!