Dấu hiệu chó bị dại là gì? Phải làm gì để phòng tránh bệnh dại cho chó?

5/5 - (2 bình chọn)

Tại Việt Nam, tỷ lệ chó mắc bệnh dại là rất cao vì chúng thường không được tiêm chủng. Để phòng, tránh được bệnh dại cho chó và những người xung quanh, bạn cần biết được dấu hiệu của chúng. Vậy những dấu hiệu của chó bị dại là gì? Cùng Blog Chó Mèo tìm hiểu ngay sau đây nhé!

1. Sơ lược về bệnh dại ở chó 

Theo CDC Việt Nam (Cục Y tế dự phòng Việt Nam), bệnh dại là căn bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại.

Bệnh dại là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất bắt gặp ở loài chó. Căn bệnh này đặc biệt đáng sợ do tỷ lệ tử vong cao cũng như do khả năng lây nhiễm sang con người.

Nguyên nhân gây ra bệnh dại ở chó là do chúng bị nhiễm loại virus dại Lyssavirus.

Bệnh dại có những tác  hại khôn lường như sau:

  • Đối với chính chú chó mắc bệnh dại: Khi các triệu chứng bệnh dại khởi phát, tỷ lệ tử vong của chúng là 100%. Chú chó của bạn chắc chắn sẽ tử vong nếu không được phát hiện và cứu chữa kịp thời.
  • Đối với mọi người xung quanh: Chó bị bệnh dại sẽ đi cắn người và vật khác. Khi đó, người hay con vật bị cắn cũng sẽ mắc bệnh dại. Và đương nhiên, khả năng cao là sẽ bị mất mạng nếu không được chữa trị.

Xem thêm: Chó dại và các thông tin quan trọng cần lưu ý.

2. Cách nhận biết dấu hiệu chó bị dại

Căn bệnh dại ở chó được diễn biến qua 2 thời kỳ: Thời kỳ ủ bệnh và thời kỳ phát bệnh. 

2.1. Thời kỳ ủ bệnh

Thời kỳ ủ bệnh của chó có thể dao động trong khoảng từ 7 ngày đến nhiều tháng tùy thuộc vào loài, độc lực của virus và vị trí vết cắn. Đối với chó, thời gian này trung bình là 10 ngày.

Các biểu hiện của chó bị dại trong thời kỳ ủ bệnh dại thường không rõ ràng. Hầu như các triệu chứng này đều tương tự như triệu chứng của một số bệnh khác. Do vậy, việc phát hiện sớm chó bị mắc bệnh dại là cực kỳ khó khăn. 

dau-hieu-cho-bi-dai-4
Cần nhờ đến sự giúp đỡ của các bác sĩ thú y để chẩn đoán bệnh dại cho chó

Một số dấu hiệu bệnh dại ở chó dại trong thời kỳ ủ bệnh:

  • Chó vui vẻ hoặc trầm tư hơn thường ngày. 
  • Thi thoảng cắn sủa vu vơ.
  • Thân nhiệt cao, ủ rũ.
  • Chúng có biểu hiện bồn chồn khó hiểu hoặc thích chui vào góc tối một mình.

2.2. Thời kỳ phát bệnh

Bệnh dại ở chó tồn tại ở 2 thể: Thể dại câm và thể dại điên cuồng. Mỗi thể dại ở chó có những biểu hiện tương đối khác nhau. Vì vậy, bạn cần nắm rõ đặc điểm của mỗi thể này để chẩn đoán được chính xác nhất tình hình của chó.

2.2.1. Dấu hiện thể dại điên cuồng ở chó

2.2.1.1. Thời kỳ điên cuồng

Lúc này, virus dại đã xâm nhập và theo túng hệ thần kinh trung ương của chó. Tính cách của chó sẽ trở nên nổi loạn và khó kiểm soát.

Một số biểu hiện của chó dại trong thời kỳ này là:

  • Chó dễ bị kích động, cắn sủa người lạ dữ dội. Quá vồ vập khi chủ gọi, chỉ cần nghe tiếng động nhẹ cũng nhảy lên sủa từng hồi dài.
  • Nơi vết thương bị cắn nổi ngứa khiến chó liếm hoặc tự cắn, cào đến rụng lông, chảy máu.
  • Chó bỏ ăn, khó nuốt, sốt cao, mắt đỏ ngầu, giãn đồng tử. Có biểu hiện khát nước, muốn uống nhưng không uống được.
  • Chó chảy nước dãi nhiều, sùi bọt mép, tỏ vẻ bồn chồn, cảnh giác, sợ sệt. Cắn vu vơ hay giật mình. Đi lại không có chủ định, trở nên hung dữ.
  • Con vật bỏ nhà đi và thường không trở về. Trên đường đi gặp vật gì lạ cũng gặm cắn, ăn bừa bãi, tấn công chó khác và cả người.
dau-hieu-cho-bi-dai-1
Chó dại trong thời kỳ này rất điên cuồng và dễ kích động
2.2.1.2. Thời kỳ bại liệt

Sau khi qua thời kỳ điên cuồng, cơ thể chó dại suy nhược rất nhanh. Những cơn điên của chúng sẽ chuyển sang thể bại liệt. Chó sẽ không nuốt được thức ăn, nước uống do liệt hàm dưới. Sau đó, chúng sẽ yếu dần rồi chết. Nguyên nhân tử vong là do chó liệt cơ hô hấp và do kiệt sức vì không ăn uống được.

2.2.2. Dấu hiệu thể dại câm ở chó (Thể tê liệt)

Thể dại câm chiếm tới ¾ các trường hợp chó dại. Quá trình này diễn ra rất nhanh, chỉ khoảng 2-3 ngày.

Biểu hiện chó bị dại ở thể này là buồn rầu. Chúng chỉ buồn bã như bị trầm cảm và stress, cơ thể dần bị bại liệt hoàn toàn hoặc một phần. Liệt cơ hàm khiến hàm của chúng trễ đi, không khép mõm lại được, nước dãi chảy tự do, không thể cắn hay xé bất cứ thứ gì.

Vì biểu hiện như vậy nên đa số chủ nuôi thường hiểu lầm chúng ốm mà chết. Do vậy, khi tiếp xúc với chó ốm, bạn nên cẩn thận vì có khả năng chúng đang mắc thể dại câm!

3. Cách phòng chống bệnh dại cho chó

Vì tỷ lệ tử vong gần như tuyệt đối nên bệnh dại được coi như một căn bệnh nan y. Do vậy, vaccine sẽ là cách phòng ngừa bệnh dại tốt nhất cho chó. Nên tiêm phòng dại cho chó định kỳ mỗi năm một lần kể từ khi chúng được 3 tháng tuổi. Ngoài ra, bạn vẫn nên lưu ý một số điều sau:

  • Mua chó từ các cơ sở uy tín, có giấy chứng nhận tiêm phòng đầy đủ.
  • Không cho chó tiếp xúc với những con vật lạ, đặc biệt là những con có biểu hiện dại.
  • Cho chó ăn các loại thức ăn sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Tránh nguy cơ thức ăn của chó bị nhiễm mầm bệnh.
  • Vệ sinh nơi ở, thân thể cho chó thường xuyên để tránh sự phát triển của virus.
  • Không thả rông chó ra đường. Chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

4. Cách sơ cứu khi bị chó dại cắn 

Khi con người bị chó dại cắn mà không biết và đi cứu chữa kịp thời để bệnh dại phát tán thì nguy cơ tử vong cao lên đến 100%.Vì vậy khi bị chó cắn kể cả nó có triệu chứng hay không thì chúng ta vẫn phải sơ cứu vết thương bị cắn.

Trước tiên, hãy để vùng cơ thể bị chó cắn dưới vòi nước. Rửa kỹ vết thương bằng xà phòng liên tục trong 15 phút. Tiếp theo nhanh chóng đến bệnh viện và nghe theo lời chỉ dẫn của bác sĩ để được tư vấn sơ cứu kịp thời, tránh trường hợp xấu xảy ra.

Trên đây là toàn bộ thông tin chuẩn xác nhất về dấu hiệu chó bị dại. Ngoài ra, Blog Chó Mèo cũng đã cung cấp cho bạn một số thông tin cần thiết khác về xử lý căn bệnh dại cho chó. Hy vọng với những chia sẻ trên, bạn sẽ chăm sóc thật tốt cho chú chó của mình nhé!