Chó dại và các thông tin quan trọng cần lưu ý.

5/5 - (1 bình chọn)

Chó dại là những con chó bị mắc bệnh dại. Chúng đặc biệt nguy hiểm đối với con người do tính chất bệnh và nguy cơ lây nhiễm cao. Hôm nay các bạn hãy cùng Blogchomeo.com tìm hiểu thêm về căn bệnh cực kì nguy hiểm ở chó này nhé.

1. Khái niệm bệnh dại 

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm nó cực kỳ nghiêm trọng đến dây thần kinh, não bộ, tính mạng con người do một loại virus gây nên.

Loại virus này là virus dại thuộc họ Rhabdoviridae, chi Lyssavirus, bao gồm virus dại và lyssavirus dơi ở Úc. Khi động vật bị nhiễm virus dại mà cắn hoặc cào xước da gây chảy máu thì sẽ làm lây lan căn bệnh đến động vật khác hoặc con người. Nước bọt của động vật bị nhiễm bệnh dại cũng truyền bệnh khi mà tiếp xúc với mắt, miệng, mũi của động vật khác. Các loại virus này thường xuất hiện ở mèo, dơi, gấu trúc, chồn hôi,… và điển hình nhất phải kể đến đó là chó. 

Tìm hiểu một căn bệnh cũng đặc biệt nguy hiểm khác ở loài chó TẠI ĐÂY

Đôi nét về bệnh dại

  • Xuất hiện ngay từ buổi bình minh của nhân loại.
  • Xuất hiện ở mọi nơi trên trái đất trừ châu Nam Cực.
  • Xuất hiện ở hầu hết động vật có vú máu nóng.
  • Không có thuốc chữa khi triệu chứng khởi phát.
  • Khi triệu chứng khởi phát tỉ lệ tử vong là 100%
  • Điều trị bằng vacxin sớm nhất ngay khi có nguy cơ có tỉ lệ chữa khỏi 100%.
  • Mỗi năm có khoảng 59000 người tử vong do bệnh dại, chủ yếu ở châu Á và châu Phi.
cho_dai_4
Bệnh dại lây qua nước bọt và máu thông qua việc cắn

“Bệnh lây truyền khi một con vật bị nhiễm bệnh cắn con khác.”

2. Chó dại nguy hiểm như thế nào.

cho_dai_1
Hình ảnh chó dại

2.1. Một số thông tin về bệnh dại ở chó.

  • Bệnh dại là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất bắt gặp ở loài chó. Căn bệnh này đặc biệt đáng sợ do tỷ lệ tử vong cao vô lý cũng như do khả năng lây nhiễm sang con người. 
  • Nước Mỹ là nơi có tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cao nhất nhưng mỗi năm cũng ghi nhận 60- 70 ca chó nhiễm bệnh dại. 
  • Ở các nước kém phát triển, chó có nguy cơ bị dại cao hơn do không được tiêm chủng.
  • Bệnh dại ở chó có thể bị lây nhiễm thông qua việc tiếp xúc dịch, máu với những con thú bị dại khác như chồn, chuột, cáo,… Các vết cào, cắn có nguy cơ lây nhiễm bệnh dại cao nhất. 
  • Ở Việt Nam 95-97% các ca nhiễm dại cho người là thông qua chó. 
  • Chó có nguy cơ mắc dại cao hơn mèo do tập tính bầy đàn.

“Không có cách điều trị cho một con chó bị bệnh dại.”

2.2. Dấu hiệu chó bị dại

cho_dai_1
Chó dại chảy rất nhiều dãi

Chó khi bị mắc bệnh thường chia làm 2 dạng đó là: dại câm và dại phát cuồng. Biểu hiện của 2 dạng này đều là tấn công, cào cắn con người và làm lây lan virus, truyền nhiễm bệnh dại sang con người chúng ta.

Dạng câm: chó mắc bệnh dại ở dạng câm thường có biểu hiện mệt mỏi, ủ rũ, buồn rầu. Các bộ phận trên cơ thể có thể bị liệt thông thường sẽ là phần chân, cơ hàm. Chó thường hay há miệng, nghe thấy tiếng thở mạnh, lè lưỡi, dãi dớt thòng lòng ra ngoài. 

Dạng phát cuồng: trường hợp chó mắc dại dạng cuồng sẽ có những biểu hiện ngược lại với dạng trên. Biểu hiện của chó sẽ hung dữ, hay nhảy xổ lên khi nghe thấy tiếng động. Chó chảy nước dãi nhiều, hay giật mình, đi lại trong vô thức có khi chạy loăng ngoăng vồ vập cắn những con vật khác và cả người.

2.3. Sự nguy hiểm của chó dại.

cho_dai_3
Chó dại rất hung hăng

Chó dại có nguy cơ lây bệnh dại sang cho con người cao hơn tất cả các loài động vật khác do được nuôi và chung sống với các thành viên trong gia đình.

Chó dại ở thể phát cuồng cực kì nguy hiểm vì các ảnh hưởng do thần kinh. Chúng sẽ tấn công không ý thức và rất ác liệt. Một số ghi nhận cho thấy các dòng chó lớn khi phát dại có mức độ nguy hiểm cao như những động vật ăn thịt hoang dã ngoài tự nhiên như gấu, hổ,…

Chó dại câm thường sẽ không có biểu hiện rõ ràng, dễ gây mất cảnh giác cho người xung quanh.

Và xin được nhắc lại:

Khi triệu chứng bệnh dại khởi phát, tỉ lệ tử vong là 100%

2.4. Khu vực có tỷ lệ chó dại cao ở nước ta

Bệnh dại thường xuất hiện ở các vùng ngoại thành thành phố, các tỉnh thành, vùng nông thôn hơn là các khu trung tâm thành phố. Và đặc biệt là trong 3 năm gần đây, bệnh dại trên người và trên động vật có xu hướng tăng ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Với chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm 2021 đã có 8 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng gấp 4 lần cùng kỳ năm 2020, tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2019. Một phần vì khí hậu trong miền Nam nắng nóng nhiều hơn tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và nguy cơ mắc bệnh dại tăng cao.

2. Nguyên nhân và các triệu chứng khi bị chó dại cắn

2.1. Nguyên nhân bị chó dại cắn

Nguyên nhân dẫn đến việc bị chó dại cắn có thể là do: khi chó bị nhiễm virus chó sẽ dễ kích động mất kiểm soát hành vi, tăng động nên khi thấy con người thì nó sẽ có những hành động vồ vập thái quá( rồi liếm) và thậm chí là xông vồ lên cắn  đối với chủ nhà hoặc gầm rú rồi xông ra cắn người lạ dẫn đến việc lây lan truyền nhiễm virus dại sang người.

2.2. Triệu chứng khi bị chó dại cắn

cho_dai_5
Bệnh nhân bị mắc chứng dại

Khoảng thời gian giữa nhiễm trùng và các triệu chứng đầu tiên của bệnh dại (thời kỳ ủ bệnh) thường là 1-3 tháng ở người. Khoảng thời gian này có thể ngắn nhất là ba ngày hoặc lâu hơn là vài năm, tùy thuộc vào vị trí, mức độ nghiêm trọng của vết thương và số lượng vi rút đưa vào. Khi bệnh dại tiến triển sẽ gây viêm não, màng não, các triệu chứng có thể bao gồm như:

  •  Sốt
  • Ngứa ngáy khó chịu
  • Tê liệt 
  • Mất ngủ
  • Buồn nôn

Một vài triệu chứng khác có thể xuất hiện thêm như:

  •  Hay cáu giận
  • Sợ nước và các chất lỏng khác
  •  Bực tức, nóng nổi
  •  Mất kiểm soát hành vi
  •  Đầu óc quay cuồng lú lẫn, mất ý thức 
  • Liệt não 
  • Mê sảng, hôn mê
  • Không cử động được các bộ phận trên cơ thể

Khi con người bị chó dại cắn mà không biết và đi cứu chữa kịp thời để bệnh dại phát tán thì nguy cơ tử vong cao lên đến 100%.Vì vậy khi bị chó cắn kể cả nó có triệu chứng hay không thì chúng ta phải nhanh chóng đến bệnh viện và nghe theo lời chỉ dẫn của bác sĩ để được tư vấn sơ cứu kịp thời, tránh trường hợp xấu xảy ra nhé.

3. Những vụ tấn công của chó dại

Mặc dù hiện nay trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã có vacxin phòng ngừa bệnh dại. Nhưng vẫn có một số trường hợp đáng tiếc xảy ra do thiếu hiểu biết hoặc phòng tránh sai cách.Và những năm gần đây có  một số vụ bị chó dại cắn gây nguy hiểm nghiêm trọng phải kể đến điển hình như: 

3.1. Vụ Nam sinh Quảng Bình bị chó dại tấn công

Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đã tiếp nhận một trường hợp bị chó dại tấn công. Người nhà cho biết một tháng trước nam sinh lớp 9 bị chó tấn công. Con chó tử vong 2 ngày sau đó nhưng gia đình chủ quan không cho em đi tiêm phòng dại. Ngày 25/5/2022, em bắt đầu mệt, đau vùng chân bị chó cắn, có biểu hiện sợ gió, co thắt thực quản khi tiếp xúc với nước. Nam sinh được đưa đến bệnh viện nhưng do tình trạng bệnh rất nặng, bệnh nhân đã tử vong tối cùng ngày.

3.2. Bác sĩ thú y bị chó dại cắn dẫn đến tử vong

Nạn nhân là chị Phan Thị C (24 tuổi quê tại Phú Xuyên, Hà Nội) là bác sĩ thú y tại phòng khám tư nhân ở tỉnh Phú Thọ. Vào tháng 06/2018 trong lúc đang làm việc khám cho một con chó bị ốm thì bất ngờ chị bị nó cắn vào bàn tay phải. Ngay sau đó chị đã được sơ cứu, sát trùng, băng vết thương lại. Bốn ngày sau con chó bị chết nhưng chị P.T.C đã chủ quan vì mình là bác sĩ thú y cũng có đủ kiến thức và chỉ nghĩ con chó bị viêm đường hô hấp nên ko đi tiêm tiêm vacxin phòng ngừa bệnh dại. Sau 1 thời gian ngắn chị đã có những biểu hiện như đau nhức ở vết thương sau đó lây lan ra toàn thân, kèm theo các biểu hiện như: sợ nước, tê liệt, sốt, đau tức ngực, khó thở( đây là những triệu chứng khi bị chó dại cắn). Đến ngày 04/06 chị đã không qua khỏi.

3.3. Người đàn ông Quảng Bình tử vong khi bị chó dại cắn

Không thể không kể đến vụ bị chó dại cắn gần đây nhất đó là người đàn ông tử vong sau 3 tháng bị chó dại cắn. Theo như người dân kể lại thì tầm vào tháng 05/2022 ông N.V.C (sn 1960, trú tại xã Thanh Thạch, huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình) có đưa con chó của gia đình bị ốm đi tiêm phòng bệnh nhưng bị cắn vào tay. Ba ngày sau đó con chó chết, và lúc này tình hình sức khoẻ của ông N.V.C vẫn như bình thường, mọi sinh hoạt không có gì biến đổi. Đầu tháng 8 ông mới bắt đầu có những triệu chứng như sợ nước, sốt, tê liệt, đau mỏi, nhức đầu. Ông được đưa đến bệnh viện cứu chữa nhưng các bác sĩ đã chuẩn đoán ông bị mắc bệnh dại không thể chữa khỏi nên đã trả về, sau đó ông đã tử vong.  

Đây chỉ là một vài vụ việc điển hình mang tính chất nguy hiểm nghiêm trọng của việc bị chó dại cắn tại Việt Nam. nên các bạn hãy lưu ý, cẩn thận để tránh bị rơi vào trường hợp như vậy nhé.

4. Phương pháp điều trị khi bị chó dại cắn

Việc bị chó dại cắn làm truyền nhiễm bệnh dại, virus từ động vật sang người rất nguy hiểm. Và khi phát bệnh thì tỷ lệ tử vong là 100%. Nên dưới đây sẽ là 1 vài cách tham khảo  để các bạn điều trị khi bị rơi vào trường hợp này: 

Khi bị chó dại cắn bạn cần để vùng cơ thể bị chó cắn dưới vòi nước và rửa bằng xà phòng thật kỹ, sau đó thấm khô nước và bôi thuốc sát trùng, cồn để làm sạch vết thương, giảm thiểu lượng virus dại ở vết thương khi bị cắn tại nhà.

cho_dai_6
Vacxin bệnh dại

Sau đó kể cả bạn thấy có triệu chứng hay không thì chúng ta đều phải nhanh chóng đến ngay bệnh viện để thực hiện tiêm phòng Vacxin dại và nghe theo lời chỉ dẫn của bác sĩ để được tư vấn cứu chữa kịp thời trước khi phát bệnh, tránh trường hợp xấu xảy ra. 

“Nếu bất kỳ động vật nào có thể nghi ngờ bị bệnh dại cắn bạn, ngay lập tức rửa và rửa vết thương kỹ lưỡng bằng xà phòng và nước và tìm sự hỗ trợ y tế ngay lập tức”

5. Các biện pháp đề phòng chó dại

  • Đưa chú chó của bạn đi kiểm tra định kì và tiêm phòng dại thường xuyên.
  • Hạn chế cho chó của bạn tiếp xúc với các loài động vật hoang dã không kiểm soát như chuột, dơi,…
  • Nếu thấy chú chó có biểu hiện dại, cần cách ly ngay lập tức và thông báo đến các cơ quan an ninh trật tự có thẩm quyền để xử lý
  • Luôn đeo rọ mõm cho chú chó của bạn.
  • Mua chó từ các cơ sở uy tín, có giấy chứng nhận tiêm phòng đầy đủ.
  • Cung cấp chế độ ăn uống sạch sẽ, hạn chế cho chó của bạn ăn các loại thịt không rõ nguồn gốc, thịt động vật hoang dã chưa qua kiểm dịch.
  • Huấn luyện chú chó của bạn một cách bài bản tuân theo các mệnh lệnh cử chỉ.

Xem thêm về các phương pháp huấn luyện chó tuân lệnh.

6. Một số cách phòng tránh chó cắn.

6.1. Giữ bình tĩnh

Khi thấy chó bất kể bị dại hay không thì bạn không nên hoảng loạn, la hét hay bỏ chạy. Vì làm như thế làm chó bị kích động và càng có động thái tấn công liều lĩnh và hăng hơn. Khi này chúng ta cần cố gắng giữ bình tĩnh nhất có thể và đứng im lại một chỗ, cần cố gắng quan sát xung quanh xem có vật thể gì để kìm hãm con chó lại không. Nếu không thì bạn nên đứng yên để con chó tưởng là vật thể bất động và mất hứng thú rồi bỏ đi.

6.2. Tự vệ, đề phòng

Trong trường hợp mà con chó vẫn hung hãn, có biểu hiện sẽ tấn công bạn thì lúc này bạn cần đối mặt với nó và bắt đầu chống trả khi chó dại tấn công. Nếu con chó bắt đầu cắn bạn, bạn phải hành động chống trả ngay lập tức: đánh hoặc đá vào cổ họng, gáy của nó làm cho con chó bị choáng và bạn có thời gian chạy thoát. Hoặc nếu trong trường hợp bạn là con trai thì bạn có thể dùng sức mạnh và lợi dụng cân nặng của mình để đè lên con vật rồi sau đó kêu người trợ giúp để khống chế con chó lại(lưu ý nên dùng khuỷu tay và đầu gối ấn mạnh vào cổ và thân con vật).

cho_dai_7
Các bước tự vệ khi có nguy cơ bị chó tấn công

Các bước hiệu quả để ứng phó khi bị chó dữ tấn công xem TẠI ĐÂY

Trên đây là một số thông tin như bệnh dại là gì, biểu hiện của chó dại, nguyên nhân, biểu hiện, hậu quả và cách sơ cứu khi bị chó cắn, một số phương pháp ứng biến khi bị chó tấn công mà chúng tôi muốn truyền tải đến bạn. Nếu bạn thấy những thông tin trên hữu ích thì bạn hãy chia sẻ chúng đến mọi người xung quanh cùng đọc để có thêm kiến thức nhé. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết trên đây.