Cách chăm sóc chó con 1 tháng tuổi và 7 lưu ý khi chăm sóc chó

5/5 - (1 bình chọn)

Nếu bạn đang không biết cách chăm sóc chó con 1 tháng tuổi thì trong bài viết này Blog Chó Mèo sẽ hướng dẫn bạn điều đó. Cùng chúng tôi tìm hiểu ngay nhé!

1. Đặc điểm của chó con 1 tháng tuổi

Sau khoảng 10 – 16 ngày tuổi, chó con đã bắt đầu mở mắt.

Khi mới sinh ra, tai của cún con bị bịt kín nhưng chỉ sau 2 – 4 tuần là chúng có thể mở ra. Thời điểm 1 tháng tuổi cũng là lúc chó con năng động và có thể chạy nhảy nhiều nhất.

Tuy nhiên, chó con 1 tháng tuổi vẫn chỉ được coi là chó trong giai đoạn sơ sinh. Cũng như con người, giai đoạn sơ sinh là mềm yếu và dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là hệ tiêu hóa. Từ khi sinh ra, chúng chỉ uống sữa mẹ nên hệ tiêu hóa vẫn chưa phát triển toàn diện. Thậm chí nếu không được chăm sóc đúng cách, chú chó nhỏ của bạn còn có thể tử vong. Vì vậy, ta cần dồn toàn lực để chăm sóc chúng kỹ lưỡng.

cham-soc-cho-con-1-thang-tuoi-4
Chó con 1 tháng tuổi rất yếu ớt

2. Môi trường sống của chó con 1 tháng tuổi

Môi trường tốt nhất cho chó con 1 tháng tuổi phải được đảm bảo tất cả các yếu tố, cụ thể:

  • Nhiệt độ: Nên giữ cho nhiệt độ môi trường ổn định nhất có thể. Nhiệt độ ngày và đêm không được có sự chênh lệch quá lớn. Giữ thân nhiệt của chó con ổn định trong khoảng 34,5 – 36 độ C. Bạn có thể sử dụng điều hòa hay máy sưởi để điều chỉnh nhiệt độ cho hợp lý. Ngoài ra, một cách đơn giản hơn là bạn có thể đặt đệm làm ấm phía dưới nơi chó con nằm.
  • Độ ẩm: Độ ẩm nơi ở của chó con không nên quá cao hoặc quá thấp. Tốt nhất là chọn nơi khô ráo, kín gió, đủ ấm áp cho chúng sinh hoạt.
  • Vệ sinh môi trường xung quanh: Bạn cần thường xuyên dọn dẹp chỗ ở của chó con. Lau chùi ổ đẻ sạch sẽ, thay chăn lót, giấy báo khi thấy chúng đã bị bẩn. Điều này sẽ ngăn chặn tối đa việc vi khuẩn và các loại ký sinh tích tụ gây hại cho chó.

3. Hướng dẫn chăm sóc cho chó con 1 tháng tuổi

3.1. Lý do cần chăm sóc

Không chỉ những vi khuẩn từ bên ngoài môi trường có thể gây bệnh cho chó con, mà những vi khuẩn ở chính trên cơ thể chúng cũng có thể gây ra nhiều hậu quả khó lường. Tắm cho chó con một cách hiệu quả và hợp lý sẽ giúp chú chó của bạn phát triển tốt hơn, hạn chế mắc bệnh hơn.

3.2. Chăm sóc từng bộ phận

  • Bộ lông: Lông của chó con trong giai đoạn 1 tháng tuổi được gọi là lông tơ hay lông máu. Đây là lớp lông rất mỏng, có tác dụng chủ yếu để giữ ấm. Vì chưa đủ dày và dài cho vi khuẩn bám vào nên bạn chưa cần phải chăm sóc kỹ.
  • Móng: Không thực hiện việc cắt tỉa móng cho cún trong giai đoạn này vì chúng vẫn chưa phát triển hết.
  • Răng: Chó con sẽ bắt đầu mọc răng sữa từ khoảng 3 tuần đến 1 tháng tuổi. Tuy đã có răng nhưng bạn không nên chải răng cho chúng ở thời điểm này nhé. 8 tuần tuổi mới là khoảng thời gian bạn nên bắt đầu vệ sinh răng miệng cho chúng.
  • Tai, mũi, mắt: Chó con lúc này chỉ mới mở mắt được một thời gian. Các cơ quan khác như mũi, tai cũng chỉ mới hoạt động sau khi mở mắt vài ngày. Nếu cần vệ sinh, bạn chỉ nên sử dụng khăn ấm lau sạch. Ngoài ra, không nên lạm dụng dung dịch làm sạch khi chó còn nhỏ nhé.

Không chỉ tai, mũi, mắt mà các bộ phận khác cũng cần tuân thủ theo nguyên tắc như vậy. Vì hệ miễn dịch của chó con 1 tháng tuổi vẫn còn yếu. Do đó, chúng sẽ rất dễ bị cảm lạnh. Lúc này, việc làm sạch cơ thể chó con sẽ do chó mẹ đảm nhận bởi đây vốn là bản năng tự nhiên của nó. Nếu chó con đã được tách ra khỏi chó mẹ thì bạn phải làm sao? Tốt nhất bạn chỉ nên dùng khăn ẩm lau sạch vết bẩn và không được tắm cho chúng đâu nhé!

cham-soc-cho-con-1-thang-tuoi-1
Thời điểm tốt nhất để tắm chó là khi chúng được 10 – 12 tuần tuổi.

3.3. Chế độ ăn cho chó con 1 tháng tuổi

Chó con tuổi này đã mọc răng sữa và dần hoàn thiện hệ thống tiêu hóa. Vậy nên bạn có thể bắt đầu cho cún làm quen dần với thức ăn. Tuy nhiên, chỉ nên cho chó ăn những loại thức ăn mềm và dễ tiêu hóa như: Cháo, thịt xay nhuyễn… Đồng thời, có thể bổ sung thêm cho chúng các loại rau, củ, quả để chó con phát triển toàn diện. Để nắm rõ thực đơn cho chó 1 tháng tuổi, bạn đọc bài viết tại đây.

Xem thêm: Chó con 1 tháng tuổi uống sữa gì?

3.4. Chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho chó con

3.4.1. Lý do cần chăm sóc sức khỏe và tinh thần

Chăm sóc thể chất và tinh thần cho cún là việc mà bất kỳ “con sen” nào cũng đều bắt buộc phải làm. Đặc biệt trong giai đoạn đầu của cuộc đời, các tác động từ bên trong và bên ngoài sẽ có ảnh hưởng sâu sắc nhất. Vì vậy, bạn nên quan tâm chú chó của mình nhiều nhất có thể nhé!

3.4.2. Hoạt động thể chất cho chó con 1 tháng tuổi

Chế độ vận động cũng đóng góp một phần không nhỏ trong sức khỏe của chó con. Vận động hợp lý sẽ làm tăng độ dẻo dai của cơ thể của cún. Ngoài ra, vận động còn giúp duy trì cân nặng ổn định. Bởi đa số chú chó con thường ngày chỉ ăn và ít khi vận động. Vậy nên tình trạng thừa cân ở chó con thường rất hay xảy ra.

cham-soc-cho-con-1-thang-tuoi-5
Chó con rất thích khám phá thế giới bên ngoài

Khi được 1 tháng tuổi, chó con luôn trong trạng thái tràn đầy năng lượng. Chú chó của bạn sẽ có tâm trạng háo hức cả ngày. Chúng sẽ đi bộ, chạy nhảy, lăn lộn và chơi đùa. Vì vậy bạn nên theo dõi chúng vui chơi một cách cẩn thận. Vì thân hình vẫn còn rất nhỏ nên việc té ngã hay va chạm mạnh với đồ vật xung quanh là rất dễ xảy ra.

3.4.3. Tương tác, huấn luyện chó con

Theo Hiệp hội Y khoa Thú y Hoa Kỳ, khi chó được 4 tuần tuổi tới khi chúng được 10 tuần tuổi, những trải nghiệm của chó đối với thế giới bên ngoài đóng vai trò quan trọng nhất trong sự phát triển của chúng. Do vậy, bạn càng nên dành thời gian tương tác với cún và cho chúng tiếp xúc dần với xã hội. 

Tốt nhất, bạn nên lập ra một bảng thời gian biểu cụ thể cho việc huấn luyện và chơi đùa với chó. Điều này sẽ rèn dần cho chúng những thói quen tốt. Hơn nữa, huấn luyện khi chó còn nhỏ sẽ giúp chúng gần gũi với bạn hơn. Đồng thời, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc dạy chúng nghe lời.

Không chỉ tương tác với chủ nhân, chú cún của bạn còn nên được tiếp xúc với mọi người xung quanh nữa. Việc tương tác với người và vật xung quanh sẽ làm chó con có tăng tính xã hội hóa. Ngoài ra, nó còn ngăn chặn được các tính xấu như: khó gần, sủa không kiểm soát, thậm chí là cắn người…

 4. 7 lưu ý khi chăm sóc chó con 1 tháng tuổi

  • Lưu ý đến việc tiêm chủng của cho chó con. Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để tránh xa bệnh tật. Bạn nên đưa chúng đến bác sĩ thú y để tiêm đầy đủ các mũi cần thiết. Ngoài ra, tiêm chủng đầy đủ còn đảm bảo an toàn cho gia đình bạn.
  • Tẩy giun cho chó ngay sau khi chúng được 1 tháng tuổi để chúng hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn.
  • Tuyệt đối không cho chó con ăn bất kỳ loại xương nào. Cho chó ăn xương có thể gây ra các chứng táo bón, tắc ruột… Thậm chí gây nguy hiểm tới tính mạng.
  • Không nên cho chó con tiếp xúc với chó lạ. Vì thời điểm 1 tháng tuổi, chó của bạn chưa đủ điều kiện để tiêm hết các loại vaccine, nên chúng rất dễ lây bệnh từ những con chó khác.
  • Cung cấp cho chó chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng và khoa học.
  • Không được cho chó con sử dụng các thực phẩm sống, các thực phẩm ôi thiu.
  • Quan tâm đặc biệt đến vấn đề vệ sinh nơi ở cho chó và cơ thể của chúng.
cach-cham-soc-cho-con-1-thang-tuoi-3
Lưu ý khi chăm sóc chó con

Khi gặp khó khăn trong việc chăm sóc chó con, tốt nhất là bạn vẫn nên tham khảo kiến thức từ những nguồn uy tín. Lời khuyên của bác sỹ thú y hay các nguồn thông tin đã được kiểm chứng sẽ là lựa chọn tốt nhất.

Trên đây là cách chăm sóc chó con 1 tháng tuổi mà bất kì ai khi nuôi chó cũng nên biết. Những chú chó con khi mới sinh ra còn rất yếu ớt vì vậy là một người chủ tốt bạn hãy nuôi chó sơ sinh một cách tỉ mỉ và cẩn thận để chúng luôn được khoẻ mạnh và sống trong một môi trường tốt nhất nhé!