Mèo Tam Thể và những thông tin thú vị xoay quanh!

5/5 - (2 bình chọn)

Khi nhắc đến những giống mèo cảnh đẹp thì ta không thể bỏ qua mèo tam thể. Đặc biệt, loài mèo này còn mang ý nghĩa tâm linh rất lớn. Hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh một chú mèo tam thể ở bất cứ đâu. Nhưng chưa chắc bạn đã biết hết những thông tin về loài mèo này. Hãy cùng Blog Chó Mèo tìm hiểu ngay nhé!

1. Nguồn gốc của mèo tam thể

Nhiều người hiện nay vẫn cho rằng mèo tam thể là tên của một giống mèo nhưng sự thật lại không phải vậy. Thực chất tên gọi “mèo tam thể” chỉ là một cách phân loại mèo dựa trên màu lông chứ không phải là một dòng thật sự

meo-tam-the-1
Nguồn gốc của mèo tam thể

Mèo tam thể là một dạng đặc biệt của mèo đồi mồi (còn gọi là mèo mai rùa hay mèo vằn đen). Tuy nhiên, chúng có một điểm khác là màu lông của chúng phân định rõ ràng và nhiều lông trắng hơn mèo đồi mồi. Bên cạnh đó, có một số con có phần lông trắng rất ít hoặc hầu như không có nên người ta thường nhầm lẫn giữa 2 loại mèo này. Bạn có thể xem thêm nguồn gốc của loài mèo tại đây.

Mèo tam thể là loài vật quen thuộc với người Việt Nam từ thời xưa, và người ta chỉ coi chúng là giống mèo ta bình thường. Hiện nay ngày càng có nhiều người quan tâm đến loài mèo này bởi cơ chế sinh sản đặc biệt của chúng.  

2. Ý nghĩa của mèo tam thể

Theo quan niệm thời xa xưa, mèo tam thể có ý nghĩa may mắn, tài lộc, mang hòa khí đến cho gia đình. Trong ngũ hành, màu lông của mèo còn có mối quan hệ tương sinh với nhau, biểu trưng cho cuộc sống sung túc, thuận hòa, gia đạo và công danh đều phát triển êm ấm. Chính vì vậy, mèo tam thể rất được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ…Đặc biệt nếu là chú mèo đực, đây là điểm báo của sự phát tài đấy. Ta có thể dễ dàng nhận thấy quan niệm này qua hình ảnh chú mèo phát tài của Nhật Bản – Maneki Neko.

Bên cạnh đó, phong thủy cũng có nhiều quan niệm về việc nuôi giống mèo này. Nuôi một chú tam thể sẽ hỗ trợ bạn phát triển công danh sự nghiệp, ăn nên làm ra. Chính vì vậy, nhiều người cũng thường mang theo mình những đồ vật có hình chú mèo tam thể.

3. Đặc điểm nổi bật của mèo tam thể

3.1. Ngoại hình

meo-tam-the-3
Ngoại hình của mèo tam thể săn chắc, linh hoạt

Tam thể là một loài mèo có bộ lông 3 màu. Màu lông điển hình của mèo tam thể thường là: Đen-trắng-xám hoặc đen-trắng-cam… nhưng tỉ lệ lông màu trắng thường lớn hơn. Những mảng màu của mèo tam thể thường được phân định rõ ràng. Chúng có hình dáng đa dạng, diện tích mảng lông trắng tỉ lệ thuận với các mảng lông khác. 

Thông thường, những chú mèo với bộ lông 3 màu phân định rõ ràng sẽ được coi là quý hiếm và có giá trị phong thủy rất lớn.

3.2.Tuổi thọ

Tuổi thọ trung bình của mèo tam thể là từ 12-15 năm. Tuy nhiên, một số mèo tam thể có thể sống tới 20 năm tuổi tùy loại và tùy vào cách chăm sóc của chủ.

Một yếu tố ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ của mèo tam thể đó chính là giới tính của chúng. Do mèo tam thể đực có nhiễm sắc thể “XXY” không giống một con đực bình thường có bộ nhiễm sắc thể “XY” nên nó mang lại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mèo đực (hội chứng Klinefelter). Vì vậy, nếu bạn muốn nuôi một chú mèo để gắn bó lâu dài thì chúng tôi khuyên bạn nên lựa chọn con cái.

4. Tính khí của mèo tam thể

meo-tam-the-4
Mèo tam thể có tính cách linh hoạt

Đặc điểm tính cách của mèo tam thể chủ yếu phụ thuộc vào giống của loài mèo đó và môi trường sinh sống của chúng. Tuy nhiên, chúng cũng có một số đặc điểm tính cách chung của loài mèo như:

  • Hiếu động, nghịch ngợm
  • Kiêu ngạo, tò mò
  • Không thích chia sẻ
  • Tính độc lập cao

Khi sinh sống gần chủ nhân thì mèo tam thể cũng sẽ có những thay đổi tính cách nhất định: Đối với những chú mèo được sống gần người, thời gian lâu dần chúng sẽ vô cùng phụ thuộc vào chủ nhân, và rất thân thiện với mọi người.

Ngược lại, đối với những chú mèo hoang phải sống trong điều kiện khắc nghiệt, chúng sẽ trở nên vô cùng hung dữ, luôn giơ nanh vuốt với những người tiếp cận nó, thậm chí còn tấn công một cách mạnh mẽ. Nếu bạn không cẩn thận khi tiếp xúc với những chú mèo hoang, bạn có thể bị thương, thậm chí mắc một số bệnh truyền nhiễm vì hầu như mọi chú mèo lang thang đều chưa được tiêm chủng.

5. Môi trường sống của mèo tam thể

Mèo là động vật không có môi trường sống cụ thể, chúng có thể thích nghi với nhiều loại môi trường khác nhau như: Rừng, đô thị, sa mạc… Đương nhiên, mèo tam thể cũng không ngoại lệ. Nhưng nếu bạn có ý định nuôi mèo, bạn vẫn cần lưu ý một số đặc điểm sau:

meo-tam-the-5
Môi trường sống của mèo tam thể
  • Mèo là một loài vật năng động vậy nên lời khuyên cho bạn là chuẩn bị cho chúng một số loại đồ chơi như là: bộ đồ chơi lông vũ, quả bóng nhỏ,… 

Lưu ý:  bạn nên chuẩn bị những chiếc trụ cho chúng leo trèo. Điều này vừa giảm thiểu việc mèo chạy nhảy trên những đồ đạc trong nhà, vừa có thể giúp chúng mài giũa bộ móng của mình nữa đấy!

  • Thêm vào đó, bạn nên chuẩn bị cho chú mèo của mình một không gian riêng dùng cho việc vệ sinh. Vì loài mèo khá thông minh, nên bạn có thể dễ dàng huấn luyện chúng đi vệ sinh đúng chỗ. Chẳng ai muốn một ở trong một căn nhà với đầy những mùi khó chịu đúng không nào?

6. Cách chăm sóc mèo tam thể

Ngoài việc quan tâm đến môi trường sống của mèo tam thể thì chế độ ăn và cách chăm sóc mèo cũng là những vấn đề bạn phải lưu ý.

6.1. Chế độ dinh dưỡng

Bạn hãy thiết kế cho mèo cưng chế độ ăn cụ thể theo từng độ tuổi, cân nặng và mức độ hoạt động từng ngày. Đối với những chú mèo có tính cách hiếu động, bạn nên cung cấp cho chúng một lượng thức ăn lớn hơn và ngược lại. Nhưng bạn vẫn phải đảm bảo cho chúng được ăn ít nhất 2 bữa/ngày. Thức ăn có thể là: Pate, xúc xích, các loại thịt… và phải đảm bảo nguồn nước của chúng luôn đầy đủ. 

Một điểm đặc biệt bạn cần lưu ý là: Tuyệt đối không được cho mèo ăn socola, vì chúng có thể làm mèo bị ngộ độc và dẫn đến tử vong. 

6.2. Chăm sóc mèo tam thể trong thời kỳ thường

Mèo tam thể là một loài có sức sống mãnh liệt nhưng bạn vẫn cần phải sử dụng một số cách chăm sóc để chúng có một sức khỏe tốt nhất:

meo-tam-the-6
Chăm sóc mèo tam thể
  • Bạn nên chải lông cho mèo của mình thường xuyên để tránh việc rụng lông và căn bệnh búi lông trong dạ dày mèo. Vệ sinh chỗ ở cho mèo hàng ngày, lên lịch đưa chúng đi khám bác sĩ thú y ít nhất mỗi năm một lần để kiểm tra răng, tai, mắt, tim, tiêm vắc xin phòng bệnh và tẩy giun/trị bọ chét
  • Ngoài ra, bạn cần dành đủ thời gian cho mèo chơi đùa: Chơi đồ chơi, nói chuyện và chải chuốt cho chúng để kết giao với chú mèo của mình. Bút laser, bóng, chuột đồ chơi và lông vũ cũng là những món đồ rất thú vị để chơi với mèo đấy
  • Một điểm bạn cần nhớ là không nên tắm quá nhiều cho mèo vì nó có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng, chỉ nên tắm 1 – 2 lần mỗi tuần là được nhé.

6.3. Chăm sóc mèo tam thể trong thời kỳ thai sản

Mèo cái bắt đầu có biểu hiện động dục khi chúng từ 5-9 tháng tuổi. Tuy nhiên, thường khi mèo được hơn 1 năm tuổi thì người ta mới bắt đầu cho chúng phối giống.

Khi thời kỳ động dục của chúng dừng lại cũng là lúc bạn phát hiện mèo cưng có thai, một số biểu hiện cụ thể như: mèo thèm ăn hơn, có biểu hiện buồn nôn, bụng to ra và thường hay quấn lấy chủ. Trong thời kỳ này, mèo thường thích nằm ở những nơi yên tĩnh, riêng tư. 

Việc bạn cần làm lúc này là xây dựng cho chúng một khẩu phần ăn đặc biệt bằng chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng và nước uống, đồng thời cho chúng làm quen với một chiếc ổ rộng rãi hơn để thuận lợi cho việc sinh đẻ sau này. 

Tốt nhất trong thời kỳ nhạy cảm như mang thai, bạn nên đưa bé mèo của mình đến khám bác sỹ thú y định kỳ để có những lời khuyên hữu ích nhất nhé!

6.4. Các loại bệnh thường gặp

meo-tam-the-7
Bệnh thường gặp ở mèo tam thể

Một số căn bệnh mà mèo của bạn có thể mắc nếu không tiêm phòng như: Bệnh dại; bệnh về đường hô hấp, bệnh về da (ghẻ lở, rụng lông, mụn nhọt). Ngoài ra, còn một số loại bệnh đe dọa trực tiếp tới tính mạng của mèo cưng như: Bệnh bạch cầu (FeLV), viêm phúc mạc truyền nhiễm (FIP)…

Những căn bệnh này cực kỳ hung hãn và dẫn đến tử vong nếu không được điều trị thích hợp. Mặc dù vậy, việc điều trị không phải lúc nào cũng thành công. Thậm chí đôi khi chúng còn không có triệu chứng rõ ràng nên rất khó cho người nuôi theo dõi.

Do vậy, cho dù bạn nuôi mèo ngoài trời hay trong nhà, đừng rút ngắn tuổi thọ của chúng bằng cách bỏ qua những loại vắc xin quan trọng nhé!

6.5. Huấn luyện mèo tam thể

Mèo tam thể sống khá độc lập và thích làm theo ý mình nên bạn cần kiên nhẫn để gắn kết với chúng. Sau khi nắm bắt được tính cách và sở thích, cũng như có mối quan hệ gần gũi hơn với chúng thì bạn mới nên bắt đầu uốn nắn hay huấn luyện.

Bạn có thể huấn luyện mèo cưng của mình nhiều bài tập khác nhau như: Huấn luyện thời gian ăn uống, huấn luyện bắt tay, huấn luyện mèo làm theo mệnh lệnh… Để mèo làm được những việc này, bạn cần lên một phương án và lập một kế hoạch cụ thể để rèn luyện tính kỷ luật của chúng. 

Loài mèo tam thể có tính giác ngộ tương đối cao nên bạn có thể yên tâm huấn luyện chúng nhé!

Tuy nhiên, bạn không nên bắt chúng luyện tập với cường độ quá cao vì dễ gây stress cho mèo. Mỗi ngày bạn chỉ cần bỏ ra một chút thời gian cố định cho việc huấn luyện và cứ lặp đi lặp lại như vậy cho đến khi mọi việc diễn ra dễ dàng là đã ổn rồi nhé!

7. Một vài tình huống xử lý với mèo tam thể

meo-tam-the-7
Cách xử lý tình huống với mèo tam thể
  • Mèo nằm phơi bụng để bạn thấy: Bụng là điểm yếu lớn nhất của loài mèo, vì vậy, khi nó làm điều này với bạn, chứng tỏ nó thực sự đã dựa dẫm rất lớn vào bạn rồi đấy. Thông thường, hành động này biểu hiện rằng chúng đang làm nũng với bạn, mong muốn được chủ nhân chú ý nhiều hơn.
  • Khi mèo cong người và dựng đứng bộ lông: Hành động này có nghĩa là mèo đang rất bị kích động. Nếu phần đuôi của mèo dựng thẳng đứng thì điều đó ám chỉ nó đang bị công kích. Nhưng nếu phần đuôi cong lại như chữ U thì chứng tỏ nó đang rất sợ hãi và trong tư thế tự vệ.
  • Khi mèo dụi đầu vào chân người, đồ vật: Những người nuôi mèo chắc chắn đều đã từng chứng kiến hành động này của chúng nhưng mọi người thường không hiểu ý nghĩa của hành động này. Đây là hành động đánh dấu lãnh thổ của loài mèo, và chúng muốn để mùi hương của mình dính vào người chủ nhân hay đồ vật. Không chỉ thế, đôi khi chúng còn làm hành động này với chủ nhân với mục đích đòi được cho ăn đấy nhé!

8. Mua mèo tam thể ở đâu? Giá cả và cách chọn mèo

Mèo tam thể được coi là một loài vật mang lại sự may mắn đến cho con người. Cũng vì thế mà hiện nay có ngày càng nhiều người nhận nuôi “linh vật” may mắn này. 

meo-tam-the-8
Mèo tam thể có mức giá trung bình

Hiện nay, có rất nhiều cửa hàng buôn bán giống mèo cảnh cho bạn tha hồ chọn lựa: Mua trực tiếp tại các hộ gia đình, các trang bán hàng online, các trại chuyên phối giống… Nếu bạn đang tìm hiểu việc mua mèo tam thể hãy chú ý lựa chọn các kênh uy tín để tiến hành mua nhé! 

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo đánh giá từ những người mua mèo có kinh nghiệm, người thân, cộng đồng hoặc khách hàng của họ. Thông thường, những địa chỉ shop thú cưng uy tín sẽ được nhiều người biết đến.

Một vài lưu ý quan trọng khi chọn mua mèo tam thể:

  • Xem xét đến vấn đề sức khỏe khi mua giống mèo đó
  • Yêu cầu người buôn bán mèo cung cấp các giấy tờ liên quan đến sức khỏe. 
  • Giấy chứng nhận và nguồn gốc xuất xứ của mèo
  • Chọn những chú mèo năng động, hoạt bát, bộ lông mềm mượt, không có dấu hiệu của gàu hoặc bọ chét…

Loài mèo tam thể cái hiện nay khá phổ biến. Thậm chí đối với dòng mèo tam thể ta, bạn còn có thể xin về nuôi mà không mất bất kỳ chi phí nào. Tuy nhiên, đối với các giống tam thể còn lại, giá của chúng có thể dao động từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng.

Đó là mức giá đối với mèo cái, còn đối với loài tam thể đực siêu hiếm, mức giá mỗi con có thể đạt tới khoảng từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng tùy giống mèo mà bạn chọn. 

Như vậy, Blog Chó Mèo đã tổng hợp cho bạn đầy đủ những thông tin về loài mèo tam thể. Hy vọng với những thông tin chia sẻ ở trên, bạn đã có thể tự tin chăm sóc tốt cho mèo cưng của mình. Hãy luôn yêu thương và chăm sóc chúng thật tốt nhé!