4 loại chuồng chó phổ biến và cách chọn chuồng chó phù hợp

5/5 - (1 bình chọn)

Việc đầu tiên bạn cần làm khi bắt đầu nuôi chó chắc chắn là chuẩn bị cho chúng một “ngôi nhà” của riêng mình. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại chuồng chó với chất liệu và kiểu dáng khác nhau. Nếu bạn đang phân vân chưa biết chọn loại chuồng nào phù hợp thì bài viết này sẽ hướng dẫn bạn điều đó. Cùng chúng tôi bắt đầu tìm hiểu ngay nhé!

1. Vì sao phải chọn chuồng chó phù hợp?

chuong-cho-1
Vì sao nên chọn chuồng chó phù hợp

Thú cưng cũng giống như con người, chúng cũng cần một không gian của riêng mình để tạo cảm giác an toàn cho bản thân. Đây cũng là cách giúp chúng cảm nhận được sự yêu thương, chăm sóc từ bạn.

Khi có “ngôi nhà riêng” của mình, những chú chó sẽ dần hình thành thói quen sống có nguyên tắc hơn. Với đặc tính thích đánh dấu lãnh thổ của mình. Vì thế, khi có chuồng riêng, chúng sẽ phân biệt được nơi để ngủ, ăn uống và nơi đi vệ sinh của mình với những khu vực khác trong nhà. Điều này sẽ hạn chế những phiền phức mà cún cưng có thể gây ra cho ngôi nhà của bạn. Chẳng hạn như việc đi vệ sinh sai chỗ hay cào cấu đồ vật trong nhà. 

Đặc biệt với những gia đình sống ở thành thị với diện tích hạn chế thì một chiếc chuồng chó phù hợp sẽ mang đến cho chúng sự vui vẻ và thoải mái để phát triển tốt hơn.

2. Phân loại chuồng chó

Dựa vào chất liệu, Blog chó mèo chia chuồng chó ra làm 4 loại phổ biến:

2.1. Chuồng chó bằng nhựa

chuong-cho-31
Chuồng chó bằng nhựa

Chuồng chó bằng nhựa được sử dụng cho những em cún cưng có kích thước nhỏ hoặc trung bình. Loại chuồng này chỉ phù hợp với những chú cún có trọng lượng tối đa 10kg. Chuồng chó nhựa có nhiều màu sắc đa dạng: Đỏ, trắng, xanh, nâu…nên bạn có thể dễ dàng lựa chọn theo sở thích. Loại chuồng này có ưu điểm là giá thành rất rẻ. Bởi nguyên liệu bằng nhựa nên bạn có thể dễ dàng đem theo trong những chuyến du lịch, picnic.

Tuy nhiên nó cũng có nhược điểm đó là khả năng chống va đập kém. Đối với những chú chó to thì chuồng nhựa sẽ không phải một lựa chọn tốt. Thậm chí, khi đã sử dụng một thời gian dài, chuồng nhựa còn có thể gây mùi khó chịu trong căn nhà của bạn.

2.2. Chuồng chó bằng kim loại

chuong-cho-32
Chuồng chó bằng kim loại

Đây là loại chuồng chó khá phổ biến trên thị trường hiện nay. Chuồng chó kim loại được làm từ các nguyên liệu như inox, thép hoặc sắt phủ inox. Do đó tuổi thọ của loại chuồng này là khá cao vì chúng không bị han gỉ theo thời gian. Hơn nữa, giá thành của loại này cũng tương đối rẻ. Bởi chất liệu kim loại chắc chắn, nên loại chuồng này có thể dùng cho những chú chó to lớn và hiếu động.

Hiện nay trên thị trường có khá nhiều kiểu chuồng dành cho chó bằng inox, đa dạng về mẫu mã và kích thước. Tuỳ vào độ lớn, bé của cún cưng mà bạn có thể lựa chọn kiểu thích hợp cho chúng.

Một nhược điểm của chuồng chó kim loại đó là sự hạn chế về mặt thẩm mỹ. Trông chúng cứng, thô và không đa dạng về màu sắc như các loại khác.

Bạn nên cân nhắc kỹ các yếu tố ưu và nhược điểm trên trước khi đưa ra quyết định mua nhé.

2.3. Chuồng chó bằng gỗ

chuong-cho-333
Chuồng chó bằng gỗ

Chuồng chó gỗ là loại chuồng đang được nhiều người ưa chuộng nhất hiện nay. Bởi chất liệu bằng gỗ tự nhiên nên sẽ cực kỳ an toàn cho chú cún của bạn. Với chất liệu cao cấp được bao phủ bởi các lớp sơn bền bỉ, những ngôi nhà gỗ chắc chắn sẽ mang đến cảm giác thoải mái, ấm cúng.

Bởi các ưu điểm tuyệt vời và tính thẩm mỹ cao mà giá thành của loại chuồng này nhỉnh hơn so với mặt bằng chung. Ngoài ra, giá của chúng còn phụ thuộc vào kích thước và loại gỗ mà bạn chọn. Nhược điểm của chuồng gỗ là dễ bị mọt mốc trong môi trường ẩm. Một vấn đề nữa mà bạn cũng nên cân nhắc đó là trọng lượng của loại chuồng này khá lớn. Vì vậy, bạn có thể sẽ gặp khó khăn trong việc di chuyển chúng đấy.

2.4. Chuồng chó bằng vật liệu mềm

chuong-cho-34
Chuồng chó bằng vật liệu mềm

Chuồng chó bằng vật liệu mềm là loại chuồng được làm từ các nguyên liệu như vải, sợi nilon, đệm mút hay bông. Vì vậy, những chiếc chuồng này rất mềm mại, mang lại cảm giác thoải mái và ấm áp cho thú cưng. Ưu điểm lớn nhất của sản phẩm này là trọng lượng siêu nhẹ giúp người dùng thuận tiện di chuyển trong những chuyến picnic. Một điểm cộng nữa cho loại chuồng vải là ta có thể gấp gọn chúng khi mà không dùng đến.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều kiểu chuồng ở cho chó làm từ chất liệu mềm với màu sắc đa dạng và kiểu dáng phong phú trông cực kỳ bắt mắt và đáng yêu. Do đó, chúng có thể đáp ứng tối đa nhu cầu chọn lựa của bạn.

Đi cùng với những ưu điểm trên, loại chuồng vải này còn có những nhược điểm không thể bỏ qua. Vì làm bằng vật liệu vải nên ta sẽ phải mất thời gian đợi chuồng khô sau khi vệ sinh chúng. Ngoài ra, chất liệu này cũng có nhược điểm là dễ bị phá hỏng và không thể sử dụng được lâu dài. Vì vậy, chiếc chuồng làm bằng chất liệu mềm sẽ không phù hợp với những cún cưng nghịch ngợm hay đang mọc răng đâu nhé.

3. Lưu ý để chọn chuồng chó phù hợp

Để chọn được một ngôi nhà phù hợp cho thú cưng của mình, Blog Chó Mèo khuyên bạn nên quan tâm đến những tiêu chí sau:

3.1. Mục đích sử dụng

chuong-cho-3
Chọn đúng mục đích sử dụng

Trên thực tế, mỗi loại chuồng chó sẽ có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Vì vậy để chọn được loại chuồng chó phù hợp nhất, bạn nên căn cứ vào mục đích sử dụng của bản thân, cụ thể:

  • Nếu bạn chỉ cần một nơi nhốt thú cưng an toàn, chắc chắn thì chuồng chó inox và chuồng gỗ sẽ là lựa chọn hợp lý bạn. 
  • Trong trường hợp bạn muốn di chuyển thú cưng thường xuyên thì loại chuồng bằng nhựa và vật liệu mềm mới là lựa chọn hoàn hảo nhất. Bởi chúng có trọng lượng nhẹ và thiết kế nhỏ gọn nên rất dễ dàng di chuyển.

3.2. Kích thước cơ thể của chó

Khi chọn chuồng chó, kích thước sẽ là một yếu tố được đưa lên hàng đầu. Một chiếc chuồng chó đủ lớn là khi chúng có thể đi vào cũi mà không cần cúi xuống hoặc có thể thoải mái xoay người lại. 

Một chiếc chuồng chó có kích thước vừa vặn được xác định theo công thức sau:

Chiều dài và chiều cao của chuồng bắt buộc phải lớn hơn so với chiều dài (khoảng cách từ mũi đến hết đuôi) và chiều cao (khoảng cách từ chân đến đỉnh đầu) của thú nuôi là 5cm.

Chiều rộng tối thiểu mà chiếc chuồng chó cần phải có được tính theo công thức: Chiều rộng chuồng = (Chiều dài + Chiều cao):2,5 (cm)

Một mẹo nữa khi chọn chuồng cho cún là bạn có thể chọn loại chuồng có kích cỡ gấp từ 2-3 lần kích thước cún cưng của mình. Cách này hiện nay cũng đang được dùng rất phổ biến vì có độ chính xác cao.

Sau khi đã tìm ra kích thước chuồng mà bạn cần, hãy đo diện tích ngôi nhà của bạn để đảm bảo rằng chiếc chuồng sẽ được đặt ở nơi vừa vặn nhất có thể.

Tuy nhiên, một điểm quan trọng bạn cần lưu ý là liệu chú chó của bạn có tiếp tục lớn lên nữa không. Nếu chúng vẫn chỉ là một chú chó nhỏ thì bạn nên chọn mua những chiếc chuồng có kích thước vừa với kích thước trưởng thành của chúng để tiết kiệm chi phí hơn.

3.3. Sở thích riêng của chú chó

chuong-cho-4
Chọn theo sở thích của chó

Mỗi chú chó sẽ có một sở thích khác nhau. Một số con chó ưa không gian thoáng đãng và thích nhìn những vật ở xung quanh chúng. Nhưng đối với một vài con khác, cảm giác bị phơi bày có thể làm chúng không thoải mái và dẫn đến stress. Hãy suy nghĩ xem chú chó của bạn thuộc loại nào để đưa ra quyết định nên chọn chiếc chuồng có mái che hay không nhé.

Việc sử dụng chuồng chóhuấn luyện chúng ở trong chuồng luôn đi đôi với nhau trong việc đảm bảo chú chó của bạn thấy thoải mái khi ở trong đó. Nếu chú chó của bạn có những cố gắng thoát khỏi chuồng thì một chiếc chuồng với những thanh sắt có thể sẽ làm gãy móng chân hay răng của chúng. Khi đó bạn nên cân nhắc sử dụng loại chuồng bằng chất liệu mềm. Mặc dù khả năng cao chúng sẽ phá hoại chiếc chuồng bằng vải ấy nhưng ít nhất việc đó sẽ không làm cho chú cún của bạn bị thương.

4. Cách vệ sinh chuồng chó

Sau khi đã mua được chuồng chó phù hợp, bạn vẫn nên lưu ý một số vấn đề quan trọng khi sử dụng sản phẩm. Đặc biệt là vấn đề vệ sinh chuồng. Nếu như con người thích nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ thì những chú chó cũng vậy.

Để khử mùi hôi cho chuồng chó, bạn cần vệ sinh chúng thường xuyên. Trước hết, bạn cần phải tháo tất cả đồ chơi, chén nước, chén thức ăn và tã lót trong chuồng chó. Sau đó đem đi giặt. Đảm bảo rằng không còn vật dụng nào cản trở bạn trong quá trình vệ sinh chuồng chó. Sau đó hãy mang chuồng chó ra ngoài để vệ sinh. Để đảm bảo loại bỏ được 100% vi khuẩn, hãy sử dụng các sản phẩm làm sạch và khử trùng tự nhiên, sau đó rửa sạch và để chuồng chó khô hoàn toàn (đặc biệt lưu ý đối với loại chuồng chó bằng chất liệu mềm).

Thêm vào đó bạn cũng nên thường xuyên đổ khay chất thải ở dưới chuồng để tránh gây ra mùi hôi khó chịu. Có thể tham khảo các loại cát vệ sinh cho chó để hạn chế mùi hôi từ chất thải nhé! Việc dọn dẹp khu vực vệ sinh của cún thường xuyên cũng giúp tiêu diệt các vi khuẩn, ký sinh trùng có trong chất thải của chó, giảm nguy cơ mắc bệnh do vi khuẩn gây ra. 

Trên đây là toàn bộ thông tin về cách chọn chuồng chó và các loại chuồng chó được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Hy vọng sau khi tham khảo bài viết này, bạn có thể tự lựa chọn được chiếc chuồng cho cún cưng của mình. Truy cập ngay vào Blog Chó Mèo để biết thêm nhiều thông tin hơn về chó cưng nhé!