Chó Shiba: Tổng hợp những thông tin bạn cần biết

5/5 - (2 bình chọn)

Ở Việt Nam, giống chó Shiba và Akita dường như là những cái tên không mấy quen thuộc đối với người chơi hệ yêu chó. Tuy nhiên tại Nhật Bản – quê hương của Shiba và Akita, chúng lại được coi là niềm tự hào của đất nước xứ phù tang này. Vậy Shiba có đặc điểm, tính cách như thế nào? Có nên lựa chọn chúng làm thú cưng nuôi tại gia đình ? Cùng tìm hiểu trong bài viết về giống chó Shiba dưới đây. 

Nguồn gốc loài

Trước khi tìm hiểu kỹ hơn về đặc tính của chó Shiba, cùng tìm hiểu lịch sử nguồn gốc hình thành của loài chó đáng yêu này nhé!

Lịch sử, nguồn gốc

cho-shiba-9
Lịch sử chó Shiba

Giống chó Shiba có tên gọi đầy đủ là Shiba Inu hay ở Việt Nam còn được biết đến với cái tên “chó Shiba cười”. Chúng là một trong sáu giống chó bản địa có nguồn gốc từ thời nguyên thủy của Nhật Bản: Shiba, Akita, Kai Dog, Shikoku, Hokkaido, Kishu. Trong 6 giống chó này, Shiba là giống chó có kích thước nhỏ nhất, tên gọi của nó cũng đã chỉ ra điều này. 

Tên gọi

Trong tiếng Nhật, “Inu” được dịch là con chó, còn tên “Shiba” có nghĩa là cây bụi, cành khô, cành gỗ. Vào thời kì nguyên thủy, đây là loại cây bụi nơi mà chú chó này hay được dắt đi săn. Tuy nhiên, Shiba cũng mang nghĩa nhỏ bé. Người Nhật gọi cái tên này cũng là để ám chỉ kích thước nhỏ nhắn của chúng. Nhiều người Nhật đoán rằng, có lẽ màu lông của nó giống với màu sắc của các bụi cây khô, nên chúng mới có cái tên như hiện tại. 

Các dòng chó Shiba lai được yêu thích nhất

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều dòng chó Shiba lai. Chúng chính là kết quả nhân giống, lai tạo với những giống chó khác. Các dòng phổ biến như:

  • Chó Shiba Inu lai Husky
  • Chó Shiba Inu lai Corgi
  • Chó Shiba Inu lai Chihuahua
  • Chó Shiba Inu lai German Shepherd

Đặc điểm ngoại hình, tính cách, quá trình sinh trưởng

Mỗi loài chó qua thời kì phát triển sẽ có những thay đổi đáng kể về tính cách và ngoại hình. Vậy chó Shiba Inu thì sao? 

Ngoại hình

Shiba thường hay bị nhầm lẫn với giống chó Akita vì vẻ ngoài và màu lông rất giống nhau, nếu là một người ít kinh nghiệm nuôi chó sẽ rất khó phân biệt 2 chú chó này. Chó Shiba sở hữu thân hình nhỏ bé, cơ bắp cực kỳ săn chắc và vô cùng nhanh nhẹn. Một con chó Shiba đực trưởng thành có thể cao từ 36 – 44cm và nặng 10 – 12kg, trong khi đó con cái cao từ 33 – 41 cm và nặng 8 – 10kg, nhỏ hơn một chút so với con đực. 

cho-shiba-8
Ngoại hình chó Shiba

Chúng có khuôn mặt khá nhỏ, nhọn và tương đối dẹt với đôi tai hay cong lên để nghe ngóng và đôi mắt sáng vô cùng lanh lợi. Shiba được mệnh danh là giống chó có khuôn mặt hạnh phúc nhất thế giới bởi vẻ ngoài tinh nghịch đáng yêu và biểu cảm khuôn mặt biết cười. Màu lông của chó Shiba rất đa dạng và phong phú. Một trong những màu sắc lông thường được sở hữu phổ biến như màu đỏ, đen, màu nâu hoặc màu vừng. 

Cấu tạo lông của giống chó này phù hợp với đặc điểm khí hậu lạnh của Nhật Bản. Shiba có bộ lông gồm 2 lớp, bên trong là lớp lông mao mềm và ngắn, có màu kem, da bò, xám hay trắng. Đặc biệt lớp lông măng ở trên mặt hay tai của chúng rất giống với lông mao của loài cáo. Bên ngoài là lớp lông cứng, dài từ 4 – 5cm, hay bị xù ở các phần vai hay đuôi, có các màu phổ biến như được nêu bên trên. Một điều thú vị Blog chó mèo muốn bật mí cho bạn, những chú chó Shiba có màu lông trắng kem không được Hiệp hội chó giống Mỹ công nhận.

Chó Shiba rụng lông rất nhiều, với tần suất 2 lần/năm. Tuy nhiên, chúng rất thích tự làm sạch lông của mình, vì vậy bạn không cần quá lo lắng về vấn đề tắm rửa cho chúng. Bạn chỉ cần tắm rửa 1-2 lần/ tuần là được.. 

Lưu ý:  Làm sạch lỗ tai, kẽ ngón chân hoặc lỗ mũi vì những vị trí này thường có bụi bẩn nhưng lại ít được để ý. 

Tuy rằng Shiba là loài có kích thước nhỏ, thế nhưng nó vẫn cần một không gian để có thể chơi đùa và phát triển. Bạn nên thiết kế một nơi vừa đủ để chúng vận động và có hàng rào bảo vệ chắc chắn. 

Quá trình sinh trưởng

cho-shiba-4
Quá trình sinh trưởng của chó Shiba

Tuổi thọ trung bình của chó Shiba nếu được chăm sóc tốt vào khoảng 12 – 15 năm. Nhìn chung, đây là giống chó khỏe mạnh và ít khi ốm vặt. Tuy nhiên chúng vẫn có nguy cơ mắc phải các bệnh truyền nhiễm ở chó mèo. Sau khi nhận nuôi chó Shiba, bạn nên kiểm tra các thông tin về tiêm phòng cũng như tiền sử bệnh để nắm được tình hình sức khỏe chung. 

Giống chó Shiba có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất vào khoảng từ 3 đến 7 tháng tuổi. Trong thời kỳ tăng trưởng này, chúng sẽ tăng gấp đôi kích thước sau đó chậm lại vào tháng thứ 8. Chính vì vậy mà trong khoảng 4 tháng này, bạn sẽ thấy chúng phát triển chiều rộng và chiều ngang cả cơ thể, không còn bầu bĩnh, đáng yêu như lúc 2 tháng tuổi nữa. 

Chó Shiba Inu được coi là trưởng thành khi chúng đạt 12 tháng tuổi, tuy nhiên để phát triển toàn diện chúng cần đến 18 tháng để đạt kích thước ước tính. 

Tính cách, thái độ

cho-shiba-7
Tính cách của chó Shiba

Shiba là giống chó với tính cách độc lập cao và đôi khi có chút hung hăng với những loài động vật khác. Nếu bạn đang có ý định nuôi Shiba cùng nhiều chú cún khác trong gia đình hoặc để chơi với trẻ nhỏ thì nên cân nhắc, bởi lẽ vẻ hung hăng có thể khiến chúng trở nên không mấy thân thiện. 

Shiba Inu có vẻ hơi thô lỗ nhưng chúng rất trung thành và yêu thương chủ nhân hết mực. Không phải ngẫu nhiên mà chúng được người dân Nhật Bản yêu quý và xem như quốc khuyển. Đây là giống chó có nhiều đặc trưng về nét tính cách ưu việt, một trong số đó chính là là lòng trung thành tuyệt đối của chúng. 

Ngoài ra,Shiba Inu rất phù hợp để làm giống chó canh gác mặc dù đôi khi chúng tỏ ra hung dữ và ích kỷ đối với thức ăn, đồ chơi hay lãnh thổ của mình. Tuy nhiên nó lại có tính cách vô cùng mạnh mẽ, tự tin nhưng cũng điềm tĩnh và chừng mực.

Xem thêm: Chó Shiba Meme: 101 biểu cảm độc đáo, hài hước

Quá trình chăm sóc 

Nuôi chó không phải là một quá trình đơn giản, chúng ta phải tìm hiểu nhiều tác nhân, yếu tố để xem chúng có phù hợp với các điều kiện sống của mỗi người hay không. Vậy giống chó Shiba thì sao? 

Môi trường sống

Môi trường sống phù hợp với Shiba Inu thường là một ngôi nhà có sân vườn hoặc các căn hộ chung cư có khuôn viên rộng và gần công viên. Nơi ở của loài chó này nên thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông, tránh để chúng ở ngoài trời lạnh quá lâu dễ mắc các bệnh đường hô hấp. 

Bạn cũng nên sắp xếp chỗ ở của chúng ở gần với gia đình để gia tăng sự gắn kết. Nếu không chúng sẽ trở nên lạnh lùng và xa cách, có xu hướng hung hăng với con người.

Chế độ dinh dưỡng

cho-shiba-6
Chế độ dinh dưỡng của chó Shiba

Chế độ dinh dưỡng của chó Shiba thường được chia làm 3 giai đoạn. 

  • Giai đoạn 1: Khi còn 1 đến 2 tháng tuổi: Ở độ tuổi này, dạ dày của cún còn yếu vì vậy chúng nên ăn cháo, cơm với thịt xé nhỏ và bổ sung các loại thức ăn khô cho chó đã được ngâm mềm khoảng 5 phút. Giai đoạn này ta có thể chia bữa ăn của chó thành 4 đến 5 bữa nhỏ trong ngày. Các loại thức ăn trong thời gian này nên là thức ăn cho chó sơ sinh, tránh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
  • Giai đoạn 2: Từ 2 đến 6 tháng tuổi: Lúc này chó cần được chăm sóc chu đáo để phát triển về thể chất về chiều cao cũng như cân nặng. Khẩu phần ăn của chúng nên bổ sung thịt, tốt nhất là các loại thịt bò, tim gan lợn. Bạn cũng có thể cho cún ăn thêm các loại rau củ và sữa uống thêm mỗi ngày.
  • Giai đoạn 3: Từ 6 tháng tuổi trở lên:  Đây là thời kỳ chó bắt đầu phát triển hoàn thiện và cần ăn nhiều loại thức ăn đa dạng bổ sung lượng thức ăn nhiều hơn. Chính vì vậy bạn cần bổ sung nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng có nhiều chất đạm, protein hoặc canxi cho chó – đặc biệt là các loại thịt xương hay nội tạng động vật. Ngoài bữa ăn chính có thể đan xen các bữa ăn phụ dành cho chó như các loại hạt loại, pate, các loại thức ăn ướt để tăng cường dưỡng chất cũng như tăng sức đề kháng. 

Chăm sóc trong quá trình bình thường

Về vấn đề ăn uống, Shiba Inu không quá kén ăn nên bạn sẽ không vất vả trong việc chăm sóc chúng. Bạn chỉ cần cần chú ý thói quen ăn uống của chú chó và chuẩn bị một khẩu phần ăn đầy đủ các dưỡng chất cần thiết như: Protein, cacbonhydrate, vitamin hoặc các khoáng chất là đã đảm bảo cho chó phát triển khỏe mạnh. 

Giống chó này còn có thói quen tự liếm lông làm sạch bản thân vì vậy bạn không cần quá lo lắng về việc vệ sinh cho thú cưng của mình. Mỗi tuần bạn chỉ cần tắm rửa cho chúng một đến hai lần là đủ. 

Chăm sóc trong quá trình sinh sản

Từ tháng thứ 8 đến giai đoạn 1 năm tuổi chính là thời kỳ chó Shiba bắt đầu bước vào thời kỳ động dục và được mang đi phối giống. Khi sắp trở thành mẹ, những kiến thức chăm sóc sinh sản là điều mà mỗi chủ nhân nên biết. Chu kỳ mang thai của chúng thường kéo dài 9 tuần và chia ra làm 3 giai đoạn. Mỗi giai đoạn tương ứng với 3 tuần, từng thời điểm khác nhau của thai kỳ thì chó Shiba lại có những biểu hiện khác nhau. 

cho-shiba-5
Chăm sóc chó Shiba sinh sản
  • Thời kỳ đầu mang thai: Lúc này chó Shiba mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi ngủ nhiều hơn do lượng hoóc môn trong cơ thể bị thay đổi. Đối với những người lần đầu chưa có kinh nghiệm nuôi chó sẽ rất dễ nhầm tưởng rằng chúng đang bị ốm và cho chúng uống thuốc. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của chó con trong bụng mẹ vì kháng sinh sẽ làm chậm sự phát triển của chó con. 
  • Giai đoạn giữa mang thai: Giai đoạn này, chó sẽ trở lại ăn uống bình thường, thậm chí có thể ăn nhiều hơn trước. Bởi dinh dưỡng lúc này không chỉ để nuôi cơ thể chó mẹ và còn cung cấp dinh dưỡng cho cả chó con trong bụng. Bạn hãy tận dụng thời gian này để bổ sung các chất dinh dưỡng tốt nhất cho thai kỳ, tăng khẩu phần ăn lên 3-4 bữa/ngày và chọn những món mà chó mẹ thích ăn.
  • Chăm sóc giai đoạn cuối mang thai: Vào giai đoạn cuối mang thai, chó mẹ sẽ ăn ít lại như giai đoạn thời kỳ đầu. Lúc này chó mẹ sẽ đi tiểu nhiều hơn do shiba con đang chèn ép vào bàng quang trong bụng chó mẹ. Bạn nên chú ý đến điều này để vệ sinh ổ của chúng sạch sẽ, tránh để lại mùi khó chịu. Lúc này bạn cũng nên chuẩn bị chỗ ở mới để chào đón đàn cún con sắp chào đời. Nơi sống ở sau khi sinh các bé cún nên là nơi kín gió, yên tĩnh nhưng vẫn phải đảm bảo thông thoáng và có thể lau dọn dễ dàng. Bạn cũng có thể tham khảo thêm cách chăm sóc chó con mới đẻ.

Huấn luyện

Khó khăn cho những người nuôi chó Shiba không nằm ở quá trình chăm sóc mà chính là ở quá trình huấn luyện chúng. Chắc chắn khi bạn có ý định mua giống chó này cũng đã tìm hiểu được những lời cảnh báo như “giống chó này thực sự khó huấn luyện và chúng không phù hợp với những người chủ không có kinh nghiệm”. 

Tuy nhiên huấn luyện chó Shiba không khó nếu bạn hiểu tính cách, sở thích và có những kiến thức cơ bản về chúng. Hãy dùng phần thưởng yêu thích để huấn luyện chó Shiba vì huấn luyện chay và truyền thống không áp dụng với giống chó nghịch ngợm và ương bướng như chúng.

Các bệnh thường gặp

cho-shiba-3
Các bệnh thường gặp ở chó Shiba

Shiba là giống chó khỏe mạnh, thế nhưng giống như tất cả các giống chó khác, chúng cũng có thể dễ mắc phải một số bệnh truyền nhiễm nhất định. Bạn không nên chủ quan vì biết đâu chú chó của bạn cũng có nguy cơ gặp phải thì sao?

Bệnh dị ứng

Có ba loại dị ứng chính, thường gặp ở chó, đó là:Dị ứng thức ăn (điều trị bằng cách loại bỏ một số loại thức ăn ra khỏi khẩu phần ăn), dị ứng tiếp xúc và dị ứng qua đường hô hấp do các chất dị ứng trong không khí. Việc điều trị các loại bệnh này tùy thuộc theo nguyên nhân và có thể bao gồm các biện pháp như: Hạn chế các loại đồ ăn, uống có hại; sử dụng các loại thuốc và thay đổi môi trường sống của chúng. 

Bệnh tăng nhãn áp 

Tăng nhãn áp là căn bệnh mà áp lực để lên mắt khiến mắc của chú chó không đủ dịch tiết ra. Các triệu chứng ở bệnh này bao gồm việc giảm thị lực và xuất hiện các cơn đau quanh khu vực mắt. Tuy nhiên hiện nay bệnh này đã có thể được điều trị bằng cách nhỏ thuốc mắt hoặc phẫu thuật.

Loạn sản xương hông 

Loạn sản xương hông là một chứng bệnh do sự phát triển lệch của khớp xương. Một vài chú chó Shiba sẽ có biểu hiện đau và khập khiễng ở một hoặc cả hai chân sau nhưng bạn có thể sẽ không chú ý đến điều đó. Khi bị mắc bệnh này các bé sẽ ít hoạt động, không muốn đi lại và nằm một chỗ chỗ. 

Đối với những chú chó Shiba bị ở giai đoạn nhẹ, chủ nuôi cần tiến hành kiểm soát cân nặng cho chó tại nhà kết hợp cùng chế độ ăn uống và tập luyện. Nếu ở giai đoạn nặng hơn cần tiến hành cho Shiba vật lý trị liệu. Bơi lội cũng là một liệu pháp tốt, khuyến khích sự hoạt động của các nhóm cơ, tránh mỏi khớp và co cơ từ đó giúp bé di chuyển linh hoạt hơn 

Giá bán trên thị trường, địa chỉ mua, cách mua

Giá bán của các giống chó Shiba hiện nay phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Độ thuần chủng, nguồn gốc, nơi được nhập khẩu,… Mỗi giống chó với nguồn gốc khác nhau sẽ có một mức giá bán khác nhau.

cho-shiba-2
Giá chó Shiba
  • Chó Shiba được nhân giống ở Việt Nam: Chú chó Shiba được nhân giống sẽ có giá bán từ 15 đến 20 triệu đồng. Tuy nhiên bạn sẽ không có được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc và kiểm định bởi chúng không phải là giống chó được lai tạo thuần chủng tại Nhật Bản. 
  • Chó Shiba được nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc: Những chú chó Shiba nhập khẩu từ các thị trường này sẽ có mức giá dao động cao hơn từ 30 đến 50 triệu đồng.
  • Chó Shiba được nhập khẩu từ Nhật Bản: Giá chó Shiba dao động trong khoảng từ 50 đến 80 triệu. 

Khi đi mua chó bạn, không nên chỉ để ý đến mức giá mà còn nên để ý đến vẻ ngoài, cũng như các đặc điểm đặc trưng của giống chó này. Bạn hãy kiểm tra về độ linh hoạt, các bộ phận trên cơ thể chó như tai, mắt,… cũng như cách chú cún ăn để biết thêm về tính cách của chúng. 

Đánh giá chung

Có thể thấy, chó Shiba là dòng chó dễ thương, đáng yêu. Chúng rất chung thành với chủ nhưng lại có xu hướng hung hăng với các loài khác. Vì vậy khi nuôi một chú Shiba bạn cần phải cân nhắc nhiều về môi trường sống. Đặc biệt, để chú chó của mình có sức khỏe tốt, bạn cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc đúng.

Như vậy, Blog chó mèo đã bật mí cho bạn những thông tin chi tiết nhất về giống chó Shiba: Quá trình sinh trưởng, phát triển cũng như quá trình mang thai và các bệnh thường gặp ở giống chó này. Nhìn chung, Shiba là giống chó dễ nuôi, ít khi bị ốm vặt, tuy khó huấn luyện nhưng chúng lại có sẵn những đức tính trung thành và dũng cảm mà giống chó trông nhà nên có. Mong rằng qua bài viết trên bạn có thể hiểu rõ hơn về chú chó mà mình đã, đang và sẽ nuôi. Chúc “boss” của bạn luôn phát triển khỏe mạnh.